Nhớ lời Bác dạy: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”- Bài 3

Thứ tư, ngày 17/05/2017

Bài 3: Chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”

 Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thẳng thắn đấu tranh với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Người coi tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”, là “quốc nạn” và kêu gọi mọi người phải cương quyết đấu tranh để loại bỏ chúng. Vì vậy, việc học tập và làm theo Bác về chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(BDO)  Bác Hồ thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây ngày 20-4-1963. Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”. Ảnh: T.L

Trong bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” năm 1952 nhân dịp có phong trao sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những hình ảnh so sánh rất dễ hiểu để nói về tầm quan trọng của việc phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu: “Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra một khái niệm khái quát, làm rõ bản chất tham ô: “Tham ô là gì? Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian tập thể”. Theo Hồ Chí Minh, căn nguyên sinh ra các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí chính là do sự tha hóa quyền lực được trao của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước. Mặc dù Bác không dùng từ “tham nhũng”, chỉ nói đến “tham ô”, nhưng “tham ô” là một cách diễn đạt dễ hiểu của “tham nhũng”. Chính những kẻ tham nhũng đã lợi dụng “cái ô” quyền lực được trao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân hay những người dưới quyền đòi ăn “của đút”, ăn “hối lộ”. Bác còn cho rằng: “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”. “Còn có những người chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công làm của tư, đạo đức cách mệnh thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc”.

Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân... Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Vì lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận! Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này ắt phải có chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư, tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần kiệm, liêm chính, cho nên chúng ta phải tẩy sạch hết cái thói xấu của xã hội cũ”. Và theo Người, cách mạng không thể thành công hoàn toàn nếu vẫn còn tham ô, lãng phí. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng của cách mạng và cần phải phát huy dân chủ để thực hiện nhiệm vụ này: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”.

Trên thực tế, hiện nay Đảng ta cũng đã chỉ rõ: “Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền bị thoái hóa biến chất về tư tưởng, đạo đức và lối sống, mắc vào tệ tham nhũng, lãng phí. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác về đấu tranh, phòng chống tham nhũng là rất cần thiết nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trước mắt là chuyên đề năm 2017; gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (Còn tiếp)

THÀNH SƠN (thực hiện)