Nhớ lời Bác dạy: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”

Thứ hai, ngày 15/05/2017

LTS: Trước hết, xin được giới thiệu, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là bài viết của Bác đăng báo trên Báo Nhân dân ngày 3-2-1969 nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng. Hướng đến kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2017), tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ việc ôn lại những lời dạy của Người về đạo đức cách mạng là rất quan trọng, để mọi người cùng soi rọi, tự phê bình và phê bình, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(BDO)  Trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.

Bác Hồ nói chuyện thân mật với các cán bộ cao cấp toàn quân (tháng 5-1969). Ảnh: T.L

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và nhiều lần bàn về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng. Người cho rằng: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” - đây cũng chính là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong một bài viết bàn về “Đạo đức cách mạng” năm 1958, Bác cũng từng viết: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều mấu chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc...”. Rồi Người diễn giải: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Tuy vậy, theo quan điểm tư tưởng của Người, “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, “phải ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. Và khi đã có đạo đức cách mạng thì người làm cách mạng gặp khó khăn, gian khổ, thậm chí là thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. “Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của mình. Khi cần thì hy sinh cả tính mạng cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, cao quý nhất của đạo đức cách mạng”. Hơn thế nữa, theo Người, “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi, thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người còn căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. (Còn tiếp)

THÀNH SƠN (thực hiện)

 

Từ khóa: