Nhịp sống trẻ: Những điều phối viên “made in” Bình Dương
Thứ bảy, ngày 03/07/2010
Các ĐPV trước ngày ra quân cùng các "chiến sĩ " nhíĐPV sẽ góp phần làm nên thành công của chương trình Học kỳ quân đội, bởi xuyên suốt chương trình 10 ngày, các ĐPV sẽ đóng vai trò là người làm công tác điều hành, quản lý, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng cho các “chiến sĩ” qua các bài giảng, quan hệ giao tiếp thường trực 24/24, thậm chí khóc cùng các em. Để đảm nhận tốt vai trò của người ĐPV là chuyện không phải dễ...
Học cách yêu thương
Để trở thành ĐPV của chương trình Học kỳ quân đội lần này, 11 sinh viên đến từ các trường học trên địa bàn tỉnh phải trải qua cuộc tuyển chọn từ 50 SV khác. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải có tinh thần tình nguyện, cùng với sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo, có khả năng nắm bắt tâm lý. Sau khi đã đạt được những yêu cầu đó, các bạn sẽ được Trung tâm Hoạt động Thanh niên - đơn vị tổ chức, gửi tham gia lớp ĐPV và cọ xát thực tế với Học kỳ quân đội do Trung tâm Thanh thiếu nhi miền Nam tổ chức.
Nguyễn Thị Thanh, SV năm cuối trường Đại học Thủ Dầu Một, ngành ngoại ngữ, là Bí thư Đoàn của lớp. “Lúc đầu em cũng chưa hình dung hết được cái hay của chương trình nhưng khi tham gia làm ĐPV, mình đã học được rất nhiều điều hữu dụng cho bản thân. Trước tiên hết là biết cách lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, chăm lo và yêu thương người khác. So với sự nhút nhát và thiếu tự tin khi nói chuyện trước đám đông như trước đây thì bây giờ mình... đã thay đổi”. Còn Nguyễn Văn Tùng, SV năm 3, trường Đại học Bình Dương cũng chung cảm nhận khi cho biết: “Dù là ban cán sự của lớp nhưng trước đó mình chưa tự tin lắm với bản thân, còn rất run khi đứng phát biểu trước đám đông. Có quá nhiều điều ích lợi cho bản thân mình nhận được từ chương trình như biết yêu thương người khác, thấu hiểu tình cảm của mẹ cha. Khi trở thành ĐPV, mình vừa quản giáo các em lại học được ở các em rất nhiều điều bổ ích. Teen bây giờ có những tình cảm và suy nghĩ khiến người lớn phải giật mình”. Nguyễn Thanh Hải, SV năm 2 ngành công nghệ thông tin trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, hào hứng: “Mình thật hạnh phúc khi được tham gia chương trình ấn tượng này”.
Cảm xúc thật 100%
Sôi nổi, nhiệt tình, hòa đồng... đó là những ĐPV của chương trình Học kỳ quân đội năm 2010. Trong 11 ĐPV, có 9 ĐPV là SV các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và đặc biệt có 2 ĐPV là học sinh trường THPT An Mỹ. Điểm chung của các ĐPV là rất vui khi được tình nguyện tham gia chương trình hết sức ý nghĩa này của tổ chức Đoàn. Để chuẩn bị cho 10 ngày của Học kỳ quân đội, các ĐPV phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Thức sớm nhất và đi ngủ sau cùng, có khi đến 1, 2 giờ khuya, đó là chuyện thường ngày của ĐPV. Nhưng với các bạn được làm ĐPV là một niềm hạnh phúc, bởi đây là hoạt động tình nguyện mới của tổ chức Đoàn. Thanh kể lại những kỷ niệm vui buồn khi lần đầu tiên làm ĐPV trong chương trình tại TP.HCM. Trong tiểu đội có một thành viên cá biệt. Trong khi tất cả các chương trình, những bạn khác đều buồn, vui, rơi nước mắt thì bạn này lại rất... dửng dưng, không biểu lộ một chút cảm xúc! Thanh đã khóc thật sự cùng những lời nói hết sức cảm động: “Tại sao chị đã dành hết sự quan tâm, chia sẻ để giúp em mà em lại không có sự cảm nhận nào như vậy?”. Bạn học sinh cá biệt cúi gằm mặt và không nói gì. 1 ngày sau, 2 ngày và những ngày sau đó, em bắt đầu thay đổi, hòa nhập với các bạn và cởi mở hơn trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề khúc mắc. Tùng nói: “Khi tiếp cận với teen, mình thật bất ngờ với những suy nghĩ của các em. Nhận thức và tư tưởng của các em bây giờ hay hơn lúc mình bằng tuổi các em”.
Học kỳ quân đội là một chương trình vui chơi nhưng mang tính giáo dục xuyên suốt. Có những “chiến sĩ” nghĩ rằng mình đến để chơi, cũng có những teen thật cá biệt, bướng bĩnh, những lúc ấy chỉ có tình cảm thật 100% mới cảm hóa được các em. Các “chiến sĩ” tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhận biết được hết, có khi còn nhạy hơn cả người lớn, vì thế nếu mình không sống thật thì các em sẽ không nghe theo đâu, một ĐPV cho biết.
NGỌC TRINH