Nhịp sống của công nhân lao động trong khu cách ly
(BDO) Bên cạnh sự chăm lo của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội, các nhà hảo tâm, nhiều công nhân lao động đã làm thêm bằng “nghề tay trái” để trang trải cuộc sống trong thời gian thực hiện cách ly.
Anh Hoàng Văn Tuấn bán rau xanh trong khu cách ly thuộc khu phố Bình Hoà II, phường Tân Phước Khánh
Chăm lo đời sống trong khu cách ly
Những ngày qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng đoàn thể chức năng đã vận động, kêu gọi toàn xã hội chung tay, giúp sức để hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh đang gặp khó khăn, nhất là đội ngũ công nhân lao động đang ở trọ tại các khu cách ly. Qua đó, đã nhận được sự giúp đỡ, chung tay của nhiều tổ chức, đơn vị cá nhân để chia sẻ giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều mô hình hay, thiết thực cũng xuất hiện nhằm chung tay giúp người dân trong khu cách ly ổn định cuộc sống.
Đơn cử, mô hình “siêu thị mini 0 đồng” do Ủy ban MTTTQ Việt Nam, TX.Tân Uyên, phường Tân Phước Khánh và Thị đoàn Tân Uyên phối hợp cùng Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Chi nhánh Phú Nhuận triển khai đã kịp thời sẻ chia cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể mua sắm, lựa chọn những nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong thời gian cách ly. Anh Trần Thiện Lộc, Phó Bí thư Thị đoàn Tân Uyên, cho biết cùng với các hoạt động chung tay, chung sức giúp đỡ người dân trong khu cách ly, “siêu thị mini 0 đồng” là mô hình đã chung tay giúp đỡ 450 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở khu cách ly...
“nghề tay trái” thời dịch bệnh
Mặt trời gần đứng bóng trên đỉnh đầu, dưới cái nắng oi bức những ngày hè, dưới tán cây mát nơi chúng tôi nghỉ chân, vài người kinh doanh trên vỉa hè bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, công nhân lao động trong khu cách ly.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hùng, nhà trọ ở khu phố Bình Hoà II, phường Tân Phước Khánh chia sẻ, anh đến Bình Dương lập nghiệp được hơn 8 năm, trong những ngày qua gia đình cùng nhiều người trọ khác nhận được nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, gia đình có 3 con nhỏ, để trang trải thêm tôi đã nhờ người thân mua thịt từ bên ngoài vận chuyển vào để bán cho những người trong khu cách ly. Như vậy, vừa đỡ buồn, vừa phục vụ người dân, vừa mong kiếm thêm thu nhập trong những ngày thực hiện cách ly.
Nguyễn Văn Hùng bên quầy bán thịt heo trong khu cách ly để trang trải cho cuộc sống
Tại gian hàng bán rau củ quả cạnh bên, tương tự hoàn cảnh của nhiều công nhân không đến nhà máy do thực hiện cách ly. Anh Hoàng Văn Tuấn, chia sẻ thêm, trong những ngày qua nhiều công nhân lao động xa quê tự thích nghi với cuộc sống cách ly bằng “nghề tay trái” trong mùa dịch. Việc buôn bán nhỏ này đã giúp công nhân lao động cảm thấy tiếp tục có nhiều động lực, ý nghĩa tích cực hơn về những thành quả lao động do chính bản thân mình làm ra.
Thay vì mỗi sáng sớm đến công ty như thường lệ thì các anh đến điểm phong toả, cách ly để nhận rau củ quả của người thân mua giùm để bán lại. Đó cũng là cách để chúng tôi thêm nghị lực để tiếp tục cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó chỉ là tạm thời, anh Tuấn và hàng ngàn cư dân, công nhân lao động trong khu cách ly đều mong muốn dịch mau được ngăn chặn để tất cả có thể quay lại nhà xưởng làm việc, ổn định lại cuộc sống như trước.
Cùng với sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, với tinh thần và nghị lực vươn lên của mình, nhiều công nhân lao động vẫn thể hiện được tinh thần hăng say lao động, làm việc của mình. Sự đóng góp, hỗ trợ của toàn xã hội là một tình cảm, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Song, việc tìm kiếm cho mình những công việc phù hợp để trang trải trong lúc khó khăn của nhiều người dân, công nhân lao động thể hiện tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, sẵn sàng bắt nhịp lại cuộc sống thường nhật khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Minh Duy