Nhìn từ vai trò của cán bộ hòa giải

Thứ tư, ngày 14/11/2012

Trong việc xây dựng gia đình (GĐ) hạnh phúc, tiến bộ có vai trò rất lớn của cán bộ hòa giải ở cơ sở. Nhiều vụ việc mâu thuẫn được cán bộ khu, ấp dân cư “lắng nghe, thấu hiểu và khuyên can” nên đã hàn gắn được hạnh phúc GĐ.

 Nhiều năm nay, ông Nguyễn Tuấn Dũng, cán bộ phụ trách hộ nghèo, gia đình, trẻ em ở xã Vĩnh Tân, Tân Uyên còn kiêm luôn vai trò của một cán bộ hòa giải cơ sở. Theo ông Dũng, chuyện vợ chồng mâu thuẫn mình phải giúp họ nhận ra theo hướng chuyện lớn thành nhỏ, chuyện nhỏ không có gì! Vợ chồng sống cùng nhau khó có thể tránh chuyện gây gổ, bực tức nhưng mình phải khuyên giải họ để những tổ ấm lại ấm dần lên chứ không cứ “đụng chuyện là đùng đùng dắt nhau ra tòa, khổ con cái lắm!”.

Ông cho biết, trong các lần họp dân, hay thông qua sinh hoạt các đoàn thể, cán bộ ở địa phương thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền Luật Hôn nhân - GĐ, phòng chống bạo lực GĐ… Các câu lạc bộ GĐ phát triển bền vững cũng được thành lập với 17 thành viên là cán bộ đoàn thể, khu, ấp để kịp thời nắm bắt tình hình, tiến hành hòa giải kịp thời.

Mâu thuẫn vợ chồng thường xảy ra với những nguyên nhân: chồng say sưa, đi làm không đưa tiền cho vợ nuôi con, sống theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”… Trong năm nay, nhiều vụ mâu thuẫn đã được ông Dũng cùng cán bộ cơ sở hòa giải thành. Chỉ có một vụ “không thể hàn gắn” vì mâu thuẫn gay gắt. Người chồng thường đánh đập vợ, không bỏ thói xấu rượu chè dù được khuyên giải nhiều lần. Theo ông Dũng, đã có các quy định rõ ràng nên tùy theo “tội trạng” mà xử lý theo luật định như khuyên giải, mời lên UBND xã làm việc, xử phạt… khi có trường hợp bạo hành GĐ, bạo hành thể xác giữa các đôi vợ chồng…

Ở nông thôn, mọi nhà coi nhau như chòm xóm, bà con cả nên phải nhận biết nhà nào có chuyện “trục trặc” là chúng tôi kịp thời chia sẻ liền. Ông Dũng cho biết như thế và bên cạnh đó, ông cùng cán bộ chính quyền tạo điều kiện để bà con làm ăn, tăng thu nhập để có điều kiện chăm sóc GĐ tốt hơn, tiến bộ, hạnh phúc hơn.

Q.NHƯ