Nhìn từ điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10: Cần nâng cao chất lượng ở bậc THCS
(BDO) Sở Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2019-2020. Căn cứ vào điểm chuẩn để có cái nhìn toàn cảnh về chất lượng giáo dục của các trường THCS ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Học sinh trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) thể hiện quyết tâm trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020
Một số địa phương chất lượng đồng đều
Chất lượng đầu vào lớp 10 cao hay thấp được quyết định bởi chất lượng giáo dục ở bậc THCS. Từ điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 cho thấy chất lượng giáo dục trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một vượt trội hơn hẳn. Ở 3 môn thi ngữ văn, toán, tiếng Anh, học sinh (HS) TP.Thủ Dầu Một đều đứng nhất tỉnh về tỷ lệ HS đạt điểm trên trung bình. Thầy Nguyễn Văn Chệt, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ năm nào cũng vậy, khi triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phòng GD-ĐT luôn nhắc nhở hiệu trưởng các trường THCS tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới dạy và học để nâng cao chất lượng tuyển sinh vào lớp 10. Từng trường chỉ đạo giáo viên phân loại đúng đối tượng HS để có biện pháp giảng dạy phù hợp theo trình độ của các em. Qua đây, ngành cũng ghi nhận những đóng góp của thầy cô đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, công sức dạy dỗ các em trong suốt 4 năm học cấp II. Và sự thành công này có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS.
Đứng đầu các trường THCS trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một có chất lượng vượt trội đó là trường THCS Chu Văn An. Mùa tuyển sinh năm nay, trường có 4 HS đậu thủ khoa các môn chuyên của trường THPT chuyên Hùng Vương ở các môn toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học. Cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ kinh nghiệm: “Giáo viên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy, tăng tính hấp dẫn qua từng tiết dạy, giúp HS chú ý và tham gia vào bài học tích cực hơn. Các thầy cô đã sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học trong giảng dạy, vận dụng thành công các phương pháp giảng dạy phát huy khả năng tư duy của HS”.
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, trường THPT Dĩ An có điểm chuẩn đầu vào cao nhất tỉnh. Thành tích này nhờ công lao không nhỏ của thầy cô ở các trường THCS như Bình Thắng, Bình An, Võ Trường Toản... Thầy Lê Minh Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Dĩ An, đánh giá từ chỉ đạo của ngành, các trường THCS tập trung thực hiện đổi mới giảng dạy. Giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Thầy cô tăng cường luyện tập, thực hành cho HS ôn luyện thi tuyển sinh vào lớp 10. Giáo viên thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác chủ nhiệm, giảng dạy, đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức cho HS. Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng được thị xã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để thầy trò dạy và học.
Cần nâng chất bậc THCS
Nếu như các trường THPT phía nam của tỉnh có thể an tâm vì đầu vào lớp 10 tương đối ổn, thì các trường phía bắc lại lo lắng bởi điểm chuẩn thấp. Thấp nhất là huyện Dầu Tiếng, điểm chuẩn của các trường THPT trên địa bàn huyện là 9,8 điểm. Thầy Nguyễn Cảnh Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Dầu Tiếng, chia sẻ hàng năm điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT ở Dầu Tiếng luôn thấp. Với thực trạng ấy, nhà trường, thầy cô rất vất vả trong quản lý, giảng dạy để nâng cao chất lượng đầu ra...
Đối với huyện Bắc Tân Uyên, điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT trong huyện cũng xấp xỉ huyện Dầu Tiếng. Trong 3 trường THPT thì điểm chuẩn của 2 trường là 10 điểm, trường còn lại là 10,55 điểm.
Chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp thì trách nhiệm của các trường THPT càng nặng nề hơn. Để nâng cao chất lượng, các trường phải đề ra nhiều biện pháp linh động theo đối tượng HS. Sau kỳ tuyển sinh lớp 10, chắc chắn Sở GD-ĐT và các trường THCS, các phòng GD-ĐT cùng ngồi lại để tìm ra nguyên nhân tỷ lệ HS đạt điểm trên trung bình ở các môn thi tại một số trường còn thấp. Từ đó, đề ra các biện pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao chất lượng ở bậc THCS trong thời gian tới.
Qua các kỳ thi THPT quốc gia hàng năm cho thấy, chất lượng ở bậc THPT ngày càng được nâng lên. Ngay cả những trường ở vùng nông thôn như Phú Giáo, Dầu Tiếng chất lượng cũng được nâng dần. Nếu như HS được chăm sóc kỹ hơn ở bậc THCS, thì các trường THPT đỡ vất vả để tập trung chất lượng mũi nhọn và chất lượng giáo dục đại trà sẽ còn tốt hơn nữa.
“Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ đến những trường THPT có đầu vào lớp 10 thấp để nắm tình hình tổ chức hoạt động giảng dạy. Trước mắt, sở chỉ đạo hiệu trưởng nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, có giải pháp nâng cao chất lượng đầu ra trong 3 năm tới. Theo tôi, nhiệm vụ của các trường THPT rất nặng nề ở phía trước”. (Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT) |
HỒNG THÁI