Nhìn lại 10 năm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt - Kỳ 2

Thứ ba, ngày 07/03/2023

(BDO) Kỳ 2: Nỗ lực thu hút hành khách trở lại

Bên cạnh chính sách của tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải tiếp cận vốn vay ưu đãi để chuyển đổi phương tiện thân thiện môi trường, các đơn vị cũng đã có những nỗ lực để phục vụ, hỗ trợ đối tượng đi xe buýt để loại hình này ngày càng thu hút người dân tham gia.

 Từ chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của tỉnh, Công ty Cổ phần Phương Trinh vay 13 tỷ đồng để mua mới 12 xe sử dụng khí CNG thân thiện môi trường

 Nâng cao chất lượng phục vụ

Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương” với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vận tải để phát triển hình thức vận tải này. Cụ thể, hỗ trợ 50% giá vé đi suốt tuyến cho các đối tượng chính sách, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các đơn vị qua hình thức bán vé xe buýt tháng; hỗ trợ 50% phí lưu đậu cho các đơn vị vận tải, hỗ trợ 80% vốn vay để đổi mới phương tiện, hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng năng lượng sạch (CNG, LNG); hỗ trợ lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu đối với phương án đầu tư phương tiện mới sử dụng nhiên liệu Diesel...

Đến nay, đã có 2 đơn vị thực hiện chính sách vay vốn đầu tư đổi mới phương tiện. Cụ thể, Chi nhánh Công ty TNHH Phúc Gia Khang đã thực hiện vay 35,8 tỷ đồng, đầu tư đổi mới 25 phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường (CNG, LNG). Phương tiện đã đưa vào khai thác từ tháng 9-2019 trên tuyến buýt TP.Thủ Dầu Một - TP.Đồng Xoài. Công ty Cổ phần Phương Trinh đầu tư 13 tỷ đồng đầu tư đổi mới 12 phương tiện trên tuyến xe buýt TP.Thủ Dầu Một - bến xe Miền Đông, đưa vào khai thác từ tháng 6-2021.

Ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương chia sẻ, là đơn vị đầu tiên ra mắt loại hình này tại Bình Dương từ năm 2003, các chính sách hỗ trợ của tỉnh để đầu tư phương tiện vận chuyển đã hỗ trợ tích cực trong hoạt động của DN, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Giảm giá vé, thu hút hành khách

Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018- 2020” được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn đến hết năm 2023 được DN và người dân rất đồng tình. Đề án đã kịp thời hỗ trợ một số đối tượng đi xe buýt như: Miễn vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thương binh, người khuyết tật, người cao tuổi, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi, học sinh sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan đơn vị giảm 50% chi phí đi lại đã thu hút, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Bên cạnh đó, DN vận tải xe buýt có được nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới phương tiện từ Diesel sang CNG…

Ông Vũ Quang Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Trinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương chia sẻ thêm, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2019 đến nay đã tác động rất lớn đối với ngành vận tải nói chung và vận tải hành khách bằng xe buýt nói riêng. Cụ thể, sản lượng hành khách, doanh thu vận tải đều giảm mạnh, từ khoảng 40% đến 80% so với giai đoạn chưa xuất hiện dịch. Hiện nay, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hoạt động tự cân đối, lượng hành khách đi lại trên tuyến ngày càng giảm nên các đơn vị vận tải chưa mạnh dạn đầu tư tuyến mới và đổi mới phương tiện.

Theo ghi nhận của Sở Giao thông - Vận tải, sau dịch bệnh Covid-19 đến nay, nhiều tuyến xe buýt đăng ký khôi phục hoạt động nhưng tần suất khai thác chỉ bảo đảm từ 50% đến 80% số chuyến theo biểu đồ đã được phê duyệt. Trong tình thế khó khăn, các DN đã “gồng mình” theo giá nhiên liệu thường xuyên biến động, hành khách sụt giảm. Để “kích cầu” người dân đi xe buýt, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị xe buýt Phương Trinh đã đưa ra chương trình tri ân đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm xe buýt Phương Trinh hoạt động tại tỉnh Bình Dương (2003- 2023), dành tặng vé điện tử cho đối tượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, học sinh, sinh viên có giấy xác nhận của trường, thẻ sinh viên. Theo đó, “vé buýt tháng” điện tử phát hành miễn phí dành cho các đối tượng nêu trên di chuyển trên 4 tuyến từ bến xe Bình Dương đi các bến xe Miền Đông, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Tân Uyên.

Trao đổi với chúng tôi, các đơn vị xe buýt cho rằng, hiện nay quy trình mua vé buýt tháng dành cho các đối tượng vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu như trước đây các đối tượng học sinh được xem xét mua vé tháng chỉ thông qua danh sách xác nhận của nhà trường, hiện nay quy trình phải qua 4 bước, thời gian xác nhận từ 5 tới 7 ngày. Sau khi được cấp phiếu thông báo, các đơn vị mới cấp vé tháng cho học sinh tại trường. Theo đề xuất của các đơn vị xe buýt, quy trình thủ tục cấp vé tháng nêu trên có thể khai thác môi trường mạng, khai báo điện tử. Trung tâm có thể tạo biểu mẫu để các trường học triển khai cho học sinh hoặc phụ huynh có thể đăng ký, khai báo để rút ngắn thời gian phát hành vé nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh, sinh viên có nhu cầu đi xe buýt.

 Ông Nguyễn Trung Đoàn, Giám đốc Chi nhánh Phúc Gia Khang, cho biết với việc được hỗ trợ vốn vay để thay đổi phương tiện cũ kỹ sang phương tiện công nghệ, thân thiện môi trường chính là động lực để giúp các DN cùng nỗ lực trong hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, để loại hình di chuyển bằng xe buýt ngày càng thu hút người dân tham gia.

 MINH DUY