Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
(BDO) Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiều 13-10, các đại biểu được chia thành 7 tổ để thảo luận văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc Chiến
Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến thống nhất với văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho rằng thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, huy động các nguồn lực, xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông… Kết quả, tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị.., cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn đang chịu áp lực rất lớn; tính đồng bộ kết nối giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa còn hạn chế, chủ yếu hệ thống giao thông là đường bộ... Chính vì vậy, ngành giao thông – vận tải tỉnh đã và đang nỗ lực tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Đây cũng là một trong 4 chương trình đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh đó, ngành giao thông – vận tải sẽ huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối từ các trung tâm đô thị của tỉnh với thành phố mới Bình Dương và đấu nối hướng ngoại của thành phố mới Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết trong thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tổ chức hoạt động, trong đó khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật quần chúng, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tham gia sáng tác, biểu diễn tại các thiết chế văn hóa nhằm tạo sự phong phú, đa dạng cho các loại hình văn hóa - nghệ thuật phục vụ nhiều đối tượng trong xã hội.
Về Chương trình đột phá “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”, đồng chí Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Tân Uyên, cho rằng để chương trình đột phá này đạt hiệu quả, cần nhấn mạnh thêm hiệu quả thu hút nhân tài, cũng như chế độ đào tạo nước ngoài trong thời gian qua; chương trình đưa bác sĩ về cơ sở phải thực tế hơn, đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, Bình Dương là tỉnh công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân lao động từ khắp nơi trong nước đến làm việc, sinh sống, nên vấn đề gửi trẻ của công nhân lao động là hết sức cấp thiết. Vì vậy, các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh phải thực hiện giữ trẻ đến 20 giờ tối mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, cần xem xét chế độ phù hợp cho các cô giáo nuôi dạy trẻ nếu áp dụng khung làm việc này...
Thu Thảo