Nhiều vườn cây thiệt hại nặng vì thời tiết

Thứ tư, ngày 25/10/2017

Những ngày qua, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa lớn trên diện rộng, một số vùng thuộc TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An bị ngập, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

(BDO)

 Đoạn rạch bị bể tại khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TX.Thuận An được người dân gia cố tạm thời để hạn chế nước chảy vào ảnh hưởng đến vườn cây. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Năng suất vườn cây giảm mạnh

Mưa và triều cường trong những ngày qua đã gây ảnh hưởng một số nơi tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An. Cụ thể, ngày 22-10, tại phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, triều cường cao làm nước sông Sài Gòn tràn theo cống thoát nước đường Đoàn Trần Nghiệp gây ngập đường với chiều dài 40m, độ ngập sâu 0,05 - 0,1m , ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, người dân sống ở đường Đoàn Trần Nghiệp phản ánh, đoạn đường này khá thấp, vào thời điểm triều cường lên cao nước thường tràn theo cống thoát nước của tuyến đường gây ngập, ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán của người dân nơi đây. “Chúng tôi rất mong ngành chức năng quan tâm sớm nâng cấp đường và hệ thống thoát nước ngăn triều để hạn chế tình trạng ngập, ảnh hưởng giao thông, kinh doanh của người dân sống dọc tuyến đường này”, bà Loan nói.

Tại TX.Thuận An, triều cường cao, kết hợp với nước mưa ở thượng nguồn đổ về vào ngày 22-10 đã làm bể 5m bờ bao, tràn 330m bờ rạch, ngập trên 33 ha đất ở và đất sản xuất nông nghiệp; độ ngập sâu 0,2 - 0,5m. Tại các phường An Thạnh và Bình Nhâm có khoảng 260 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại phường Bình Nhâm, một số điểm bị ngập sâu, nước tràn hơn 300m bờ rạch (đoạn rạch Ba Sanh, rạch Ông Tam, nhánh 8 rạch Cầu Lớn); riêng khu phố Bình Hòa khoảng 19 ha đất bị ngập, với độ ngập sâu 0,2 - 0,4m. Tại phường An Thạnh, nước tràn 40m bờ rạch Miễu, 40m bờ rạch Cầu Nhỏ, 50m bờ rạch Búng; nước gây ngập khoảng 14 ha đất, với độ ngâp sâu từ 0,2 - 0,5m...

Ông Lê Văn Chiến, người dân ở khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh cho biết, ông đã có hơn 10 năm trồng rau màu, năm nào vào mùa này cũng xảy ra tình trạng ngập do triều cường và mưa. Những năm gần đây, gia đình ông mua máy bơm để những lúc nước vào vườn nhiều có thể bơm ra ngoài. Nhưng theo ông Chiến, biện pháp này cũng chỉ khắc phục tạm thời, vì cây rau màu rễ rất yếu và dễ bị chết khi ngập úng. Bình thường, với diện tích 1.700m2 hoa màu, bình quân một ngày gia đình ông thu hoạch được 50 - 70 kg, nhưng hiện tại sản lượng giảm xuống chỉ còn khoảng 20 - 30kg/ngày.

Ông Thái Văn Thuận, người dân khu phố Thạnh Lộc chia sẻ, hiện gia đình ông có khoảng 3.500m2 vườn cây ăn trái, vào mùa này nước thường xuyên ngập vào vườn làm cho một số cây sầu riêng bị chết, măng cụt bị rụng lá. Hiện tượng nước cứ vào rồi ra vườn diễn ra thường xuyên làm cho lượng phân tro bỏ xuống bị trôi hết, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ đe dọa đến cả vườn cây của gia đình ông. Ông kiến nghị trong thời gian tới địa phương cần có biện pháp để khơi thông dòng chảy, kiên cố hóa các bờ rạch để không còn ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.

Ông Đặng Thành Lễ, cán bộ nông nghiệp phường An Thạnh cho hay, tình trạng mưa và triều cường thường xuyên xảy ra trong những ngày qua đã gây ngập 0,2 - 0,5m, ảnh hưởng đến khoảng 14 ha đất ở và sản xuất của một số hộ dân ở khu phố Thạnh Lộc và Hưng Thọ. Một số diện tích cây ăn trái và hoa màu tại địa phương bị ngập nên năng suất giảm đáng kể.

Cần giải pháp đồng bộ

Để ứng phó với tình trạng triều cường kết hợp mưa lớn làm bể, tràn một số bờ rạch, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các phường An Thạnh, Bình Nhâm của TX.Thuận An đã huy động 70 ngày công, 9 xe đất, 300 cừ tràm, 100 vỉ tre cơi đắp, gia cố các đoạn bờ bị tràn. Theo bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, hiện tượng ngập cục bộ thường xuyên xảy ra tại địa phương do triều cường, mưa kết hợp với việc hồ Dầu Tiếng xả lũ. Để khắc phục tình trạng ngập, thời gian qua phường đã hỗ trợ người dân cừ tràm, đất để đắp lại một số đoạn bờ bao xung yếu bị tràn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, thành viên Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, văn phòng đã đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN TX.Bến Cát, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, bờ rạch xung yếu; gia cố, sửa chữa các đoạn bị bể, tràn bờ để chống ngập hiệu quả trong các ngày triều cường tiếp theo. Trong thời gian tới, văn phòng sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh theo Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 17-3-2016 về việc tăng cường công tác PCTT&TKCN giai đoạn 2016- 2020, với mục tiêu cụ thể, phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đơn vị sẽ có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng; chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác PCTT&TKCN. Đồng thời, đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, vật liệu, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ người, tài sản, sản xuất và công trình, khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai.

Theo thông báo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ 7 giờ sáng ngày 18-10-2017 đến 7 giờ sáng 24-10-2017, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng; lượng mưa tại trạm Bắc Tân Uyên trong ngày 22-10 ở mức cao nhất 50mm, tại trạm Bến Cát 22,5mm, trạm Tân Uyên 43mm... Diễn biến mực nước triều đo được tại trạm Thủ Dầu Một (cảng Bà Lụa) vào ngày 23-10-2017 ở mức 1,53m, cao hơn mức báo động III 0,23m; ngày 24-10-2017 ở mức 1,42m, cao hơn mức báo động III 0,12m.

 QUỲNH NHIÊN