Nhiều vấn đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013
Từ các góc nhìn khác nhau, câu trả lời của câu hỏi làm gì để vực dậy nền kinh tế nằm ở không ít tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 26 và 27-9 tại Huế.
Tại đây, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đã cùng tham dự nhiều kỳ diễn đàn sẽ cùng bàn luận về chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014, nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược".
Quang cảnh tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013. Đều đặn một năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu, đây là nơi những chuyển động của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và trung hạn được mổ xẻ với nhiều chiều quan điểm và đa dạng góc nhìn
Đều đặn một năm hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu, đây là nơi những chuyển động của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và trung hạn được mổ xẻ với nhiều chiều quan điểm và đa dạng góc nhìn.
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 diễn ra không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân (tháng 4/2013). Tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ.
"Hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra", TS. Trần Du Lịch nhận định.
Đi vào các lĩnh vực cụ thể, nhiều tham luận đã mổ xẻ những vấn đề nóng của nền kinh tế.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về quản lý vàng trong nước. Như lợi ích từ đấu thầu do chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước hàng trăm tỷ đồng/phiên thực sự được phân bổ như thế nào, có lợi ích nhóm hay tham nhũng không? Và những rủi ro chính sách gắn với cho phép rồi đột ngột cấm kinh doanh tín dụng bằng vàng trong bối cảnh độc quyền nhập khẩu và đấu giá vàng của các ngân hàng thương mại thì ai chịu trách nhiệm?
Hiện trạng và hệ lụy của vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và các tập đoàn kinh tế, giữa các tổ chức tín dụng cũng là một trong các chủ đề được bàn luận.
Theo TS. Đinh Tuấn Minh, tại Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng ngân hàng đã ở mức báo động. Sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng của Việt Nam có thể dẫn đến hiện tượng lũng đoạn thị trường tài chính ngân hàng. Mặc dù điều này tuy chưa được xác nhận nhưng một số vụ án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong năm 2012 có vẻ như minh chứng cho điều này.
Bên cạnh các vấn đề ngắn hạn, một trong những mục tiêu quan trọng của diễn đàn là rà soát lại quá trình thực hiện các đột phá chiến lược trong 3 năm 2011-2013.
Bởi vậy, các tham luận và tranh luận sẽ hướng tới đích rà soát lại quá trình thực hiện các đột phá đó, đồng thời làm rõ những nguyên nhân cơ bản và những điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các đột phá chiến lược.
Theo VnEconomy