Nhiều ứng dụng tiện ích của Đề án 06

Thứ sáu, ngày 13/12/2024

(BDO) Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn quyết liệt chỉ đạo, thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật các nhiệm vụ của đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Đáng chú ý, trong tháng 10 vừa qua, Bình Dương là địa phương đầu tiên ứng dụng “Khai thác cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực cư trú”, góp phần thúc đẩy kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, giải quyết hiệu quả các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Số hóa dữ liệu

Trong năm 2024, tỉnh Bình Dương đề ra 18 nhiệm vụ để thực hiện Đề án 06. Kết quả, đến nay đã hoàn thành 15/18 nhiệm vụ, các nhiệm vụ còn lại đang tiếp tục thực hiện; trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên tập trung thí điểm triển khai nhiều mô hình, nhiệm vụ mới với 48 mô hình, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Lực lượng công an cơ sở hướng dẫn người dân khai thác dữ liệu đất đai để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo đại diện Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, hiện đã hoàn thành 11/48 mô hình, nhiệm vụ, đang triển khai thường xuyên 37/48 mô hình, nhiệm vụ. Nổi bật, Chính phủ giao Bình Dương làm điểm về việc triển khai kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực về cư trú”, ngay sau đó, Tổ chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã chỉ đạo các thành viên Tổ công tác Đề án 06 khẩn trương thực hiện việc đối sánh, làm sạch thông tin người sử dụng đất. Tính đến tháng 10, đã có 851.737/896.566 trường hợp sử dụng đất được đối sánh và làm sạch (đạt 95%), phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành kết nối, chia sẽ cơ sở dữ liệu đất đai vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về cư trú. Ngày 28-10, Bình Dương chính thức đưa vào thí điểm mô hình này, qua đó đã tiếp nhận, giải quyết được 230 hồ sơ.

Mô hình thí điểm “Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID” đã được Bình Dương triển khai thực hiện đến 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã liên thông, trích chuyển dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có thể tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước, đăng ký chữ ký số để thực hiện ký số các dữ liệu liên thông theo quy định.

Đến nay, tỉnh bảo đảm các điều kiện sẵn sàng triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại qua ứng dụng VNeID. Đến tháng 11, toàn tỉnh đã thực hiện tích hợp được hơn 341.000 hồ sơ bảo hiểm y tế, hơn 326.810 hồ sơ sổ sức khỏe điện tử, hơn 3.110 hồ sơ giấy chuyển tuyến, hơn 16.840 hồ sơ giấy hẹn khám lại. “Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện mô hình sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID; đồng thời đang phối hợp với Bộ Công an, Bệnh viện Chợ Rẫy để hoàn thiện quy chế phối hợp trong việc triển khai tạo lập, liên thông, khai thác, sử dụng dữ liệu sổ sức khỏe điện tử, giấy hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến phục vụ khám chữa bệnh”, đại diện Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh cho biết thêm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên không thể nhắc đến tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào các nhiệm vụ của Đề án 06. Thượng tá Huỳnh Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết ở từng thời điểm Đề án 06 sẽ có những nhiệm vụ cụ thể được triển khai thực hiện, việc làm tốt công tác tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao việc hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm vụ. Do đó, Công an tỉnh tích cực tham mưu Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhiệm vụ, ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06 mang lại, như: Các tiện ích của ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến… Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân người dân, truyền cảm hứng, tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số và các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Công an các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện cấp căn cước cho người dân để góp phần hoàn thiện nhóm tiện ích công dân số, tạo tiền đề thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06

Theo ghi nhận của P.V tại TP.Dĩ An, những ngày qua, mô hình “Hành chính công lưu động” của thành phố được thực hiện tại nhiều khu dân cư, chung cư tập trung đông người dân ở các địa phương nhằm tuyên truyền, tiếp nhận và giải quyết các TTHC của người dân trên môi trường điện tử. Ở mỗi điểm đến, thành viên của đội hình “Hành chính công lưu động” đã tích cực tuyên truyền, giải đáp những thắc mắc, hướng dẫn và giải quyết các TTHC khi người dân thực hiện ở các lĩnh vực, gồm: Đất đai, tư pháp, hộ tịch, đăng ký cư trú, làm căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi, tạo chữ ký số, làm hộ chiếu... Sau nhiều tháng hoạt động, mô hình “Hành chính công lưu động” đã mang lại tính hiệu quả thiết thực trong cải cách, đơn giản hóa TTHC; đồng thời góp thêm niềm tin, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

“Nhờ sự đồng thuận, ủng hộ cao trong xã hội, đến nay số công dân trên địa bàn tỉnh đã được cấp căn cước công dân, thẻ căn cước được hơn 2,2 triệu thẻ; đã thu nhận được hơn 1,9 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2 và kích hoạt thành công hơn 1,7 triệu tài khoản định danh mức 2 (đạt 141% chỉ tiêu Trung ương giao), góp phần hoàn thiện nhóm tiện ích công dân số”, Thượng tá Huỳnh Văn Thành cho biết thêm.

HƯNG PHƯỚC - THANH TUYÊN

Từ khóa: