Nhiều tỉnh tạm dừng hoạt động đông người, dịch vụ không thiết yếu

Thứ bảy, ngày 01/05/2021

(BDO)

Điểm đo thân nhiệt cho người dân. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ngày 30/4, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tạm dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch.

Từ ngày 1/5, Nam Định sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội, thể dục thể thao tập trung đông người; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập Tnternet công cộng.

Nam Định cũng tạm dừng các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng trên địa bàn tỉnh... cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.

Để chủ động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam cũng đã ban hành Công điện yêu cầu, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hạn chế các cuộc họp khi không thực sự cần thiết; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế tham dự các sự kiện tập đông người và đi ra ngoại tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan Công an triển khai rà soát, hướng dẫn thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện xét nghiệm ngay đối với toàn bộ các trường hợp là hành khách trên chuyến bay VJ3613 từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 7/4 theo Thông báo khẩn của Bộ Y tế hiện có mặt tại địa phương. Đồng thời, rà soát, yêu cầu khai báo y tế và theo dõi sức khỏe đối với toàn bộ các trường hợp từng đi qua, trở về từ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam hiện đang có mặt tại địa phương từ 15/4.

Cơ quan chức năng, các địa phương rà soát lại tất cả các trường hợp người Nam Định đã hoàn thành cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của các tỉnh, thành phố trở về địa phương từ 15/4. Những trường hợp này khi trở về địa phương phải thông báo với chính quyền và cơ sở y tế và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức rà soát, truy vết, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; làm tốt công tác xét nghiệm đảm bảo phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch nếu có.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng người bệnh đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định 3088/QĐ-BYT của Bộ Y tế; đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, thuốc và phương án sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh.

Người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế đó là: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế.

Những trường hợp trở về từ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam từ ngày 15/4 đến nay phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Tối 30/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phát đi văn bản hỏa tốc số 2803/UBND-VX về việc một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 1/5, Hải Phòng dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quán bar, pub, game, Tnternet. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Yêu cầu Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và các cơ sở cách ly tập trung cho chuyên gia nước ngoài đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung và lây nhiễm ra cộng đồng.

Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố và tại các thành phố khác trở về địa phương; yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú đủ 14 ngày; nếu có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, tức ngực, khó thở, phải kịp thời báo ngay cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi, các bến xe, nhà ga, bến tàu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch (đặc biệt là đeo khẩu trang, dãn cách 1 m, sát khuẩn tay); kiên quyết không phục vụ các hành khách không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cùng đại diện các ngành chức năng và địa phương liên quan kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi và bến xe khách Vĩnh Niệm.

Lượng khách qua Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi trong những ngày qua luôn duy trì ở mức cao với trên 10.000 lượt khách mỗi ngày. Tại bến xe khách Vĩnh Niệm, lượng hành khách đến bến xe tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Khắc Nam yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục rà soát quy trình, biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng để phát hiện nguy cơ lấy nhiễm dịch bệnh; yêu cầu hành khách phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K, đo thân nhiệt, hành khách phải đeo khẩu trang khi vào nhà ga, lên máy bay.

Đối với Ban Quản lý Bến xe tuyệt đối không được lơ là, yêu cầu các lái xe, phụ xe phải nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, dùng nước sát khuẩn khi lên xe. Chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn người dân khai báo y tế thông qua ứng dụng trên điện thoại, thu thập những dữ liệu cơ bản về thông tin hành khách, biển số xe, hình thành thói quen khai báo minh bạch cho người dân để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trên các chuyến đi.

Theo Sở Y tế Hải Phòng, đến 15 giờ ngày 30/4, 4 trường hợp đi cùng chuyến bay VJ3613 với ca bệnh 2899 trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 30/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và mọi người dân tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm: “Quyết liệt, khẩn trương, không lơ là, chủ quan.”

Cả hệ thống chính trị phải đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, lĩnh vực được phân công quản lý.

Công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ cho đến khi dịch bệnh được ngăn chặn; trước mắt tập trung chỉ đạo, thực hiện "Tháng cao điểm phòng, chống dịch" từ 30/4 đến ngày 31/5/2021.

Các hoạt động giám sát dịch tễ và xét nghiệm sẽ được tăng cường ở phạm vi phù hợp để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Từ đó tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm sớm, kịp thời truy vết, ngăn chặn ngay từ khi dịch mới xuất hiện, còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.

Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, toàn bộ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần kịp thời, chính xác, minh bạch để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là, không hoang mang.

Cũng theo công điện này, để ngăn chặn dịch, Thanh Hóa sẽ không tiếp nhận cách ly người nhập cảnh từ các chuyến bay thương mại, giải cứu cho đến khi có chỉ đạo mới. Các trường hợp nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc đối tượng nhập cảnh là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại Thanh Hóa sẽ được xem xét nhưng phải đảm bảo an toàn, thực hiện quy trình xét duyệt chặt chẽ, kịp thời và phải được sự chấp thuận của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Đến chiều 30/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 8 trường hợp ở cùng khu cách ly và 6 trường hợp đi cùng chuyến xe với bệnh nhân 2899 người Hà Nam.

Kết quả xét nghiệm lần 1 cho thấy 6 trường hợp F1 đều đã cho kết quả âm tính. 6 trường hợp này đã được đưa đi cách ly tập trung, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các lần kế tiếp theo quy định./.

Theo TTXVN

Từ khóa: