Thị trường lao động cuối năm:
Nhiều tín hiệu vui
(BDO) Không ồn ào, sôi động như những năm trước, năm nay, thị trường lao động trong những tháng cuối năm đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải có trình độ, tay nghề cao. Trước yêu cầu của thị trường lao động, NLĐ phải làm gì để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng?
Bình lặng…
Có thể nói, những năm trước vào thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất sôi động, trên một số tuyến đường chúng ta thường bắt gặp những băng rôn lớn với dòng chữ “Công ty… cần tuyển công nhân”. Điều khác biệt rõ so với những năm trước, năm nay thị trường lao động trên địa bàn tỉnh lại khá bình lặng. Dạo một vòng quanh các khu công nghiệp Việt Hương, VSIP, Sóng Thần và một số tuyến đường có nhiều công ty, xí nghiệp như ĐT743, nhu cầu “cần tuyển gấp” lao động để sản xuất hàng hóa cuối năm đã giảm hẳn. Điều này khẳng định sự ổn định của thị trường lao động cũng như khẳng định vị trí của NLĐ đã được “trọng dụng”, không còn tình trạng NLĐ phải nhảy cóc kiếm việc mới vào những tháng cuối năm. Chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân Khu công nghiệp VSIP I nói: “Vài năm trước, nhiều công nhân hay “nhảy cóc” trong công việc, bởi thấy công ty nào đó tuyển nhiều lao động, mức lương cơ bản cao là sẵn sàng nghỉ việc. Năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lại đòi hỏi tay nghề cao nên NLĐ rất cân nhắc khi quyết định chuyển nơi làm việc”. Trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, so với những năm trước, thị trường lao động năm nay ổn định hơn nhất là trong thời điểm Việt Nam gia nhập TTP nên đòi hỏi thị trường lao động càng phải bình ổn. Điều này lại có lợi rất lớn cho NLĐ, họ có quyền lựa chọn nhiều hơn, được hưởng mức lương cao, bình đẳng với mọi lao động và được hưởng đầy đủ các chế độ xã hội.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động cuối năm của doanh nghiệp
NLĐ học tập, nâng cao tay nghề
Điều khác biệt của thị trường lao động cuối năm nay, đó là yêu cầu NLĐ phải có kinh nghiệm, kỹ thuật tay nghề cao. Tại các bảng thông báo tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đều miêu tả điều kiện tuyển dụng khá cao như: Lao động phổ thông, trình độ văn hóa 12/12, có kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc hoặc sản xuất giày da, gỗ…
Để định hướng cho người lao động biết được nhu cầu tuyển dụng lao động những tháng cuối năm 2016 và những năm tiếp theo, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thưa ông, nhu cầu thị trường lao động những tháng cuối năm 2016 có gì khác so với năm trước?
- Có thể nói, những tháng cuối năm 2016, nhu cầu thị trường lao động năm nay không nhộn nhịp, sôi động như những năm trước; nhu cầu tuyển dụng lao động tại các công ty, xí nghiệp vẫn tăng rất cao và có thể sẽ cao hơn nhiều trong những năm tiếp theo. Song, nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay không chỉ đơn thuần là tuyển dụng lao động phổ thông như trước nữa mà họ rất cần những lao động có trình độ, tay nghề cao. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với lực lượng lao động vì họ được làm việc với đúng khả năng, trình độ của mình cũng như được hưởng lương cao và các quyền lợi, chế độ khác.
- Trước yêu cầu cao của thị trường lao động, vậy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm gì để đáp ứng nhu cầu lao động cuối năm và những năm tiếp theo?
- Theo tính toán của chúng tôi, thời gian tới, lực lượng lao động có tay nghề sẽ thiếu và người lao động cần phải tự học tập nâng cao tay nghề của mình, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Để đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao, ngay từ bây giờ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành một số biện pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên công nhân và người lao động ở các địa phương khác đến tham gia học nghề. Tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn, dài hạn và một số ngành nghề đang rất cần thiết hiện nay và trong những năm tới như cơ khí, máy móc, điện… Trong năm 2016, các trường, cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh 31.929 học viên, tổ chức dạy nghề cho 1.481 học viên với các ngành nghề như: Điện, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật cơ khí, hàn, may công nghiệp… Tuy nhiên, lực lượng lao động ở địa phương sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất trong toàn tỉnh. Trên cơ sở hiệu quả của chương trình liên kết lao động đã ký kết với các tỉnh, thành phố trước đây, sở tiếp tục liên hệ với các tỉnh, thành để có nguồn cung ứng lao động cho địa phương nhằm đáp ứng đủ nhu cầu lao động hiện nay và trong tương lai.
Để đáp ứng yêu cầu cao của các nhà tuyển dụng, NLĐ hiện nay đã ý thức hơn trong việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho bản thân mình. Theo đánh giá một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhu cầu học nghề của NLĐ kể cả thành thị và nông thôn cũng như lao động ngoài tỉnh tăng mạnh. Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore đã tiếp nhận đào tạo hàng ngàn sinh viên, học viên với những ngành nghề mang tính trí tuệ, kỹ thuật cao như: Kỹ thuật viên tin học, hàn, điện tử, điện công nghiệp, kỹ thuật cơ khí… Anh Lê Trung Nghĩa, công nhân Công ty Yazaki (TX.Dĩ An) tâm sự: “Anh làm việc ở công ty gần 3 năm là lao động phổ thông nên mức lương thấp, vừa qua anh quyết định đăng ký học nghề điện vào các buổi tối tại một trung tâm dạy nghề ở thị xã. Giờ anh đã có bằng về điện bậc 3/7, anh được sắp xếp làm việc phù hợp với mức lương cũng cao hơn trước nhiều”. Điều này cho thấy, NLĐ đã hiểu được yêu cầu của thị trường lao động, họ cần phải tự học tập để đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Khi Việt Nam gia nhập TPP, lực lượng lao động không có trình độ, tay nghề sẽ rất khó đứng vững trên thị trường lao động. Các ngành chức năng, ban ngành, đoàn thể cần tham gia vận động NLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ tay nghề của mình để đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại và trong thời gian sắp tới.
KIM HÀ