Nhiều tiện ích từ dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện
(BDO) Từ đầu tháng 8-2016, Bưu điện tỉnh Bình Dương đã triển khai dịch vụ thu nộp hộ tiền phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về tại địa chỉ yêu cầu qua đường bưu điện. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về dịch vụ tiện ích này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh.
Nhân viên ngành bưu điện phân loại hồ sơ công, chuyển đến tận tay người dân Ảnh: H.V
- Xin ông cho biết một số thông tin về dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ về tại địa chỉ yêu cầu qua đường bưu điện?
- Căn cứ Thỏa thuận hợp tác số 69/TTHT-C67-BĐVN ngày 15-6-2016 giữa Cục Cảnh sát giao thông và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tận tay công dân theo yêu cầu, đầu tháng 8-2016, Bưu điện tỉnh đã phối hợp cùng Công an tỉnh, Thanh tra giao thông tỉnh ký kết triển khai dịch vụ thu nộp hộ phí phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu. Dịch vụ được triển khai tại Phòng Cảnh sát giao thông (PC67), Thanh tra giao thông vận tải, công an 9 huyện, thị, thành phố và tất cả các bưu cục, các điểm bưu điện văn hóa xã (có cung cấp dịch vụ) trên toàn tỉnh.
Theo đó, dịch vụ cung cấp gồm: Thu n ộp hộ phí xử phạt vi phạm giao thông; thu nộp hộ phí xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông nội tỉnh, liên tỉnh (trọn gói); chuyển phát giấy tờ bổ sung phục vụ cho việc ra quyết định xử phạt. Các giấy tờ tạm giữ sẽ được chuyển phát trong vòng 2 ngày đối với địa chỉ nhận tại TP.Thủ Dầu Một, 3 ngày đối với những huyện, thị trong tỉnh và tối đa 5 ngày đối với hồ sơ gửi liên tỉnh. Cước phí dịch vụ thu nộp phí xử phạt giao thông là 30.000 đồng/hồ sơ (không phân biệt số tiền nộp phạt); thu hộ phí xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ (trọn gói) là 70.000 đồng/hồ sơ đối với địa chỉ nhận trong tỉnh và 120.000 đồng/hồ sơ đối với các địa chỉ nhận ngoài tỉnh.
- Dịch vụ này mang lại những tiện ích gì, thưa ông?
- Đối với trường hợp trực tiếp nộp phạt tại PC67, thay vì trước đây khi nhận quyết định xử phạt, người dân phải mất thời gian, chi phí để đến kho bạc hoặc ngân hàng được ủy nhiệm thu, nộp phạt, thậm chí phải nhờ người khác hỗ trợ đối với người dân ở các huyện xa trong tỉnh hay ở tỉnh khác do không biết vị trí nộp phạt ở đâu, thì nay không cần phải di chuyển đi xa, với quyết định xử phạt cầm trên tay chỉ cần liên hệ nhân viên bưu điện ngay tại quầy tiếp nhận của PC67 để nộp phạt và nhận lại các giấy tờ tạm giữ.
Đặc biệt, đối với các giấy tờ tạm giữ bị tước quyền sử dụng, nếu người dân có nhu cầu trả giấy tờ tạm giữ về địa chỉ theo yêu cầu, có thể đăng ký với nhân viên bưu điện dịch vụ trọn gói (vừa thu nộp hộ phí phạt vừa chuyển trả giấy tờ tạm giữ). Nếu người vi phạm ở xa hoặc không có thời gian có thể đến bất cứ điểm giao dịch (có cung cấp dịch vụ) trên toàn quốc để làm thủ tục đăng ký dịch vụ. Việc đăng ký dịch vụ qua bưu điện sẽ giúp người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức chờ đợi, đi lại, giảm thiểu được phương tiện lưu thông trên đường, giảm áp lực tại quầy tiếp nhận của cơ quan công an, thanh tra giao thông, góp phần cải cách TTHC và tạo được hiệu quả kinh tế cho xã hội.
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những kiến nghị của người dân liên quan cụ thể đến các thủ tục, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; ĐT: (0650) 3.835.029 - số Fax: (0650) 3.822.174; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn |
- Người vi phạm giao thông nếu chọn nộp phạt qua bưu điện thì cần thực hiện các bước cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Người vi phạm đăng ký dịch vụ thu nộp hộ phí xử phạt đến các điểm giao dịch của bưu điện có cung cấp dịch vụ trong thời gian mở cửa, cung cấp quyết định xử phạt cho nhân viên bưu điện, nộp đúng số tiền trên quyết định và cước dịch vụ theo quy định, nhận biên lai và quay lại đơn vị xử phạt để nhận giấy tờ tạm giữ. Nếu người vi phạm đăng ký dịch vụ trọn gói, người vi phạm đến các điểm giao dịch của bưu điện có cung cấp dịch vụ trong thời gian mở cửa, cung cấp biên bản nộp phạt và họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ cho nhân viên bưu điện, thực hiện nộp đúng số tiền nộp phạt trên cơ sở dữ liệu do đơn vị xử phạt cung cấp và cước dịch vụ theo quy định. Bưu điện sẽ thay mặt người vi phạm nộp tiền phạt và làm thủ tục nhận lại giấy tờ với cơ quan công an, thanh tra giao thông, đồng thời chuyển trả giấy tờ tạm giữ về tại địa chỉ đã đăng ký theo thời gian phát đã cam kết…
- Ông có thể cho biết thêm, trong trường hợp giấy tờ của người dân bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng trong quá trình chuyển phát, bưu điện có hướng xử lý như thế nào?
- Trường hợp làm thất lạc, hỏng, mất mát giấy tờ trong quá trình chuyển phát, bưu điện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan, người vi phạm để làm lại các giấy tờ bị mất, thất lạc, hỏng, đồng thời chịu trách nhiệm về các chi phí cấp lại giấy tờ tạm giữ theo quy định và miễn cước dịch vụ của bưu điện cho khách hàng.
Để tránh tình trạng mất hoặc thất lạc giấy tờ của người vi phạm, bưu điện đã triển khai sẵn sàng các giải pháp sau: Khi nhận các giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an và thanh tra giao thông, nhân viên bưu điện và cán bộ của đơn vị xử phạt cùng chứng kiến, kiểm tra từng loại giấy tờ của người vi phạm để bảo đảm nhận đúng, đủ giấy tờ tạm giữ trước khi chuyển trả cho người dân; sử dụng phong bì đặc thù riêng cho dịch vụ hành chính công, thực hiện đóng dấu dịch vụ dành riêng cho dịch vụ thu nộp hộ phí xử phạt giao thông và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trên phong bì để tất cả các khâu trong quá trình vận chuyển và phát đi phải lưu ý…
- Xin cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)