Nhiều tiềm năng phát triển du dịch

Thứ hai, ngày 09/11/2020

(BDO) Từ lâu, TP.Thuận An đã được khách du lịch biết đến với những vườn cây ăn trái nổi tiếng, những làng nghề thủ công truyền thống và nhiều khu nghỉ dưỡng hấp dẫn. Có vị trí địa lý nằm giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, TP.Thuận An là một trong những điểm đến được du khách, đặc biệt là du khách TP.Hồ Chí Minh, chọn làm điểm đến để giải trí, nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần...


 Du khách tham quan và mua sắm tại các gian hàng tại Lễ hội “Lái thiêu mùa trái chín” 2019

Nhiều tiềm năng

TP.Thuận An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của tỉnh. Trong đó, với những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, giao thông, TP.Thuận An có nhiều điều kiện, tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Từ lâu, trên địa bàn thành phố đã hình thành những làng nghề truyền thống, như: Gốm sứ, heo đất, chày cối, thớt… Cùng với đó, TP.Thuận An có những di tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia, mang nhiều kiến trúc độc đáo có thể khai thác phát triển du lịch, như: Di tích đình Phú Long, đình An Sơn, Chiến khu Thuận An Hòa… Trên địa bàn thành phố có tuyến giao thông huyết mạch (đại lộ Bình Dương) nối liền các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành khác; có sông Sài Gòn chảy qua gắn với các vườn cây ăn trái đặc sản nên việc đi lại bằng đường bộ hoặc đường sông đều thuận lợi. Theo lãnh đạo địa phương, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ khách sạn, ăn uống, nghỉ dưỡng... có thể thu hút số lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phát triển du lịch sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân.

TRONG PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2020-2025, TP.THUẬN AN XÁC ĐỊNH RÕ CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀ THU HÚT CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GẮN VỚI XÂY DỰNG CÁC BẾN HÀNH KHÁCH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN TUYẾN DU LỊCH ĐƯỜNG SÔNG - ĐƯỜNG BỘ, KẾT HỢP VƯỜN CÂY ĂN TRÁI LÁI THIÊU, CÁC DI SẢN VĂN HÓA, CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ CÁC KHU ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN.

TP.Thuận An cũng nổi tiếng là vùng trồng cây ăn trái với những loại trái cây đặc sản, như: Măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon... Hiện nay, trên địa bàn TP.Thuận An vẫn còn duy trì, phát triển nhiều vườn cây ăn trái ở các xã, phường: Hưng Định, An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm... Với những lợi thế về giao thông, vị trí và có nhiều tiềm năng khai thác phát triển du lịch, TP.Thuận An được nhiều doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn để đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP.Thuận An, cho biết đến nay trên địa bàn thành phố có 10 khách sạn được xếp hạng (sao), hơn 100 nhà nghỉ và một số nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, mua sắm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, ăn uống, mua sắm, như: Nhà hàng Phương Nam, Khu du lịch xanh Dìn Ký, An Lâm River Resort, Sài Gòn Park Resort, khu mua sắm Minh Sáng Plaza, Siêu thị Aeon, Lotte… “Đây chính là những điều kiện thuận lợi để Thuận An tiếp tục tập trung khai thác nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương ngày càng nhiều hơn”, ông Đảm nói.

Liên kết để phát triển

Ông Nguyễn Văn Đảm cho biết thêm, mặc dù chưa có nhiều sản phẩm du lịch thật sự nổi trội so với một số địa phương khác, song TP.Thuận An cũng có điều kiện khá thuận lợi để hình thành các loại hình sản phẩm du lịch. Để phát triển du lịch, trong thời gian qua, ngành VH-TT đã phối hợp tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch Thuận An đến với các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa.

Từ các điều kiện nêu trên, thời gian qua, UBND TP.Thuận An đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều hoạt động để phát triển du lịch trên địa bàn, như: Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn giai đoạn 2018-2020; in ấn 1.200 quyển cẩm nang du lịch Thuận An (bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt) để giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài thành phốvề những điểm đến du lịch của thành phố. Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu những hình ảnh tươi đẹp của vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vùng sinh thái đô thị Thuận An gắn với hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, TP.Thuận An còn tổ chức Tuần lễvăn hóa - liên hoan ẩm thực mua sắm (vào năm 2017) và lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” (vào năm 2015 và 2019) với chủ đề: “Cầu Ngang mùa hẹn” tại khu vực Cầu Ngang, phường Hưng Định. Các hoạt động diễn ra trong tuần lễ văn hóa và lễ hội trên đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh vườn cây ăn trái Lái Thiêu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển du lịch trên địa bàn TP.Thuận An thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo ông Đảm, vườn cây ăn trái là sản phẩm du lịch chính nhưng trái cây không dồi dào và ổn định (có năm trúng mùa, có năm thất mùa). Tại các điểm có tiềm năng du lịch ven sông Sài Gòn, các khu nhà vườn tư nhân còn hoạt động tự phát, chưa có tính chuyên nghiệp cao. Công tác phát triển du lịch đường thủy còn hạn chế do chưa xây dựng được các bến thủy nội địa. Bên cạnh đó, khách du lịch đến TP.Thuận An chủ yếu tập trung vào các dịp như: Lễ hội chùa Bà, lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín hoặc vào mùa trái cây (khoảng tháng 5, 6 âm lịch)... Lượt khách đến với các điểm du lịch chủ yếu là vui chơi giải trí vào ngày cuối tuần. Các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch khác đi kèm phục vụ du khách còn khá đơn sơ. Quà lưu niệm chưa phát triển mạnh, chưa có sản phẩm lưu niệm đặc thù để cung cấp cho du khách... Do đó, du lịch Thuận An thời gian qua vẫn chỉ ở dạng tiềm năng chưa phát huy được thế mạnh.

Ông Đảm cho biết thêm, để khai thác hết các tiềm năng, lợi thế du lịch của TP.Thuận An cần có sự liên kết và phát triển nhiều sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Thời gian tới, TP.Thuận An sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, các đơn vị kinh doanh lữ hành để liên kết tạo ra những sản phẩm du lịch, như: Du lịch sinh thái (du lịch miệt vườn, du lịch sông nước), du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, du lịch tâm linh, tín ngưỡng), du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm hoặc có thể kết hợp các sản phẩm du lịch nêu trên thành tour tham quan du lịch.

TP.Thuận An cũng sẽ đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt để kết nối với các tour, tuyến tham quan bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông Sài Gòn; duy trì tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” để thu hút du khách đến các điểm tham quan vườn cây ăn trái tại khu vực Cầu Ngang, phường Hưng Định và các vùng trái cây lân cận. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào mô hình nghỉ dưỡng homestay tại khu vực xã An Sơn, phường Hưng Định, An Thạnh theo hình thức xã hội hóa; tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị lữ hành và các trường học để hình thành các tour du lịch học đường gắn với tham quan các khu di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống của địa phương.

 HỒNG THUẬN