Nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-New Zealand
(BDO) Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975 và kể từ khi chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược hợp tác kinh tế - thương mại, quan hệ hai nước đạt nhiều kết quả khả quan và không ngừng phát triển.
Do đó, chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước Việt Nam và New Zealand thảo luận các định hướng và biện pháp nhằm tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước; trong đó, có quan hệ thương mại.
Đối tác tiềm năng
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand; là nhà xuất khẩu thứ 13 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand. Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 51, nhập khẩu lớn thứ 58 của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 5,7% so với năm 2021. Năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,6% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến New Zealand đạt 648,9 triệu USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ New Zealand đạt 680,6 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu.
Theo Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand nhóm hàng gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt may, da giày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại từ New Zealand.
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng...
Về nguồn hỗ trợ chính thức (ODA), New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, từ 3,2 triệu NZD (tương đương 2,3 triệu USD) năm tài khóa 2003-2004 lên tới 10,5 triệu NZD (khoảng 7,4 triệu USD) năm tài khóa 2012-2013; 26,66 triệu NZD (tương đương 18,6 triệu USD) giai đoạn 2015-2018.
Đặc biệt, New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 1/7/2021 - 30/7/2024 (tương tự giai đoạn 2018-2021); tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó dịch COVID-19...Trên cơ sở những kết quả hợp tác thương mại mà hai nước đạt được trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam và New Zealand đều đang là những nền kinh tế năng động và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Nhận định về thị trường New Zealand, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việt Nam và New Zealand đang trực tiếp tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương với những cam kết, ưu đãi chất lượng cao, là cầu nối trực tiếp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư. Đáng lưu ý, Việt Nam và New Zealand đều là hai nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng hợp tác mang tính bổ sung cho nhau và đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc dỡ bỏ các thủ tục nhập khẩu và hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại là quan trọng; đồng thời, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường với sản phẩm nông sản mới sẽ giúp tăng quy mô trao đổi thương mại song phương. Cùng với đó, nhằm hạn chế sự sụt giảm trong trao đổi thương mại, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, hội thảo giao thương, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – New Zealand.
Tăng cường hợp tác
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, mặc dù là thị trường có quy mô nhỏ nhưng New Zealand là thị trường thương mại điện tử phát triển khá sôi động, đứng thứ 48 trên thế giới. Ngoài ra, cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, New Zealand có thế mạnh về lĩnh vực Phần mềm dịch vụ (SaaS), lĩnh vực này đã tạo ra doanh thu 2,2 tỷ USD vào năm 2021 và hiện đang tăng 16% mỗi năm.
Sự tăng trưởng bền vững của lĩnh vực SaaS cho thấy, lĩnh vực này có thể trở thành ngành công nghiệp chính của New Zealand. Nếu tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên 19% mỗi năm thì đến năm 2030, ước tính lĩnh vực này có thể trị giá gần 14 tỷ USD và tạo ra tới 58.000 việc làm mới. Đáng chú ý, Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên của một số tổ chức, diễn đàn khu vực như Liên hợp quốc, APEC... Hai bên cũng là thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đều có các cam kết về thương mại điện tử.
Tại cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại Việt Nam - New Zealand vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị phía New Zealand phối hợp triển khai một số nội dung, phương hướng hợp tác cụ thể nhằm tạo động lực cho sự phát triển của thương mại song phương hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2024 do Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra. Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao và thương mại nông sản, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, lao động, giáo dục và đào tạo, hàng không du lịch...
Mới đây, Tổng Lãnh sự quán New Zealand vừa tổ chức sự kiện "Hội tụ tinh hoa trong kỷ nguyên kinh tế số" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring sheep New Zealand đến người tiêu dùng Việt Nam thông qua nền tảng TikTok.
Ông Scott James - Tổng lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam cho biết: New Zealand là một đất nước trù phú với thế mạnh sản xuất những thực phẩm chất lượng. Các sản phẩm nông nghiệp của New Zealand tươi ngon và nhiều chất dinh dưỡng phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp thông minh.
"Sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring Sheep của Tập đoàn Landcorp là một ví dụ điển hình cho sản phẩm thế mạnh của New Zaeland, tiên phong đầu tiên trên thế giới sản xuất được sữa hươu bằng công nghệ hiện đại mà vẫn đảm bảo chất lượng cũng như an toàn tuyệt đối với sức khỏe" - Ông Scott James cho hay và thông tin, Pamu Landcorp, một công ty thuộc sở hữu của chính phủ ở New Zealand, không có vốn từ nước ngoài hoặc các công ty tư nhân khác.
Ông Scott James tin tưởng rằng với chất lượng của sữa hươu Pamu và sữa cừu Spring Sheep, niềm tự hào dân tộc của New Zealand, với sự hỗ trợ từ TikTok Việt Nam, công ty dẫn đầu xu hướng thương mại điện tử, các sản phẩm này sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của người Việt Nam.
Theo ông Phạm Trung Thiên - Giám đốc điều hành của Ciels Group Co, đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm sữa của Pamu Landcorp tại Việt Nam, cho biết công ty ông bắt đầu phân phối sữa hươu Pamu vào tháng 8/2022 và sữa cừu Spring Sheep vào tháng 7/2023. Hai sản phẩm sữa này đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và phản ứng tích cực từ khách hàng, công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 30% mỗi tháng và dự kiến doanh thu của các sản phẩm này sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm tới.
Thời gian tới, công ty sẽ hợp tác với TikTok Việt Nam để hỗ trợ nhà phân phối bán hai sản phẩm sữa này thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đến nay, công ty đã có 100 nhà phân phối trên toàn quốc.
Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.
Hơn nữa, khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn; đồng thời tuân thủ nghiêm quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực tham gia hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.
Theo TTXVN