Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người dùng
(BDO) Bộ Y tế cho biết, hiện một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định, trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Tiếp diễn hiện tượng một số doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công văn số 4286/VPCP-KGVX, về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Công văn số: 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng. Giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời. Không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm.
Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Tại tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" được tổ chức mới đây, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là "trá hình" thực phẩm chức năng.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.
"Mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Theo TTXVN