Nhiều nước ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu
(BDO)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Việc Liên hợp quốc chính thức thông qua Hiệp ước Toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân đã nhận được sự hoan nghênh tích cực của nhiều quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh cùng với các tổ chức hoạt động xã hội mặc dù các cường quốc phương Tây cho rằng văn kiện này bỏ qua thực tế an ninh quốc tế, đặc biệt là mối quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Đại sứ Costa Rica tại Liên hợp quốc Elayne Whyte Gomez, cũng là Chủ tịch Hội nghị đàm phán hiệp ước trên, đánh giá đây là bước đầu tiên tiến đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế gọi đây là bước đi lịch sử hướng tới loại bỏ tính hợp pháp của vũ khí hạt nhân và là chiến thắng quan trọng của nhân loại toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định hiệp ước trên đã phản ánh nhận thức ngày càng sâu sắc của thế giới về những hậu quả nghiêm trọng mà chiến tranh hạt nhân gây ra cho con người.
Các tổ chức vận động cho hiệp ước khẳng định việc thông qua hiệp ước sẽ giúp thúc đẩy nhận thức của cộng đồng và quan trọng hơn là thay đổi môi trường pháp lý liên quan đến vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trước đó, bất chấp sự phản đối của ba cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp cùng các đồng minh, 122 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ngày 7/7 đã thông qua hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, trừ Hà Lan bỏ phiếu phản đối và Singapore bỏ phiếu trắng.
Không có nước nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tham gia các cuộc đàm phán hay cuộc bỏ phiếu về hiệp ước cấm hạt nhân.
Dự kiến hiệp ước này sẽ bắt đầu sẵn sàng để ký kết vào ngày 20/9 tới và sẽ chính thức có hiệu lực khi được 50 quốc gia phê chuẩn.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra tại Liên hợp quốc sau đó, đại diện của Mỹ, Anh và Pháp đã nhắc lại rằng họ tẩy chay các cuộc đàm phán về hiệp định này. Các cường quốc phương Tây cho rằng hiệp ước này không giải quyết được những quan ngại an ninh về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như những thách thức an ninh khác.
Các quốc gia sở hữu hạt nhân muốn duy trì kho vũ khí nguyên tử như một công cụ phòng vệ và răn đe cần thiết trước hành vi tấn công hạt nhân./.
Theo TTXVN