Nhiều nước lên tiếng sau thông tin Mỹ do thám các quan chức châu Âu
(BDO)
Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số các chính trị gia châu Âu bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 31/5, Pháp cảnh báo rằng việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã lợi dụng quan hệ đối tác với Cơ quan Tình báo quân sự và đối ngoại Đan Mạch (FE) để do thám các đồng minh châu Âu là vấn đề "cực kỳ nghiêm trọng" nếu được khẳng định.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều câu hỏi đặt ra về việc liệu Đan Mạch có biết những gì Mỹ đang làm không.
Phát biểu với Đài phát thanh quốc gia Pháp (FranceInfo), Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của nước này Clement Beaune nói: "Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi cần phải đánh giá liệu các đối tác của chúng tôi tại EU có vi phạm hay mắc sai sót gì trong quá trình hợp tác của với các cơ quan của Mỹ."
Ông Beaune nhận định vấn đề sẽ rất nghiêm trọng nếu như Mỹ tiến hành do thám các nhà lãnh đạo EU.
Bằng những lời lẽ thận trọng hơn, các quốc gia láng giềng của Đan Mạch như Thụy Điển, Na Uy cũng yêu cầu Copenhagen giải thích về vấn đề này.
Ngoài ra, một phát ngôn viên của Chính phủ Đức tuyên bố rằng nước này đã "liên hệ với với tất cả những bên liên quan trong nước và quốc tế để có được lời giải thích rõ ràng."
Trước đó, ngày 30/5, đài phát thanh DR của Đan Mạch cho biết NSA đã lợi dụng hợp tác tình báo với FE để thực hiện việc do thám, bao gồm việc truy cập vào các nội dung tin nhắn SMS, các cuộc gọi điện thoại và truy cập Internet, trong đó có nội dung tìm kiếm, nội dung chat và các dịch vụ nhắn tin của quan chức các nước Đức, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Pháp.
Cũng theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen, người nhậm chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng quốc gia Bắc Âu từ tháng 6/2019, đã được thông báo về hoạt động này từ tháng 8/2020.
Bà Bramsen nhấn mạnh việc nghe lén một cách có hệ thống các đồng minh thân cận là điều "không thể chấp nhận."
DR đã công bố thông tin trên sau một cuộc điều tra phối hợp với kênh truyền thông SVT (Thụy Điển), NRK (Na Uy), báo Le Monde (Pháp) cùng các kênh NDR, WDR và báo SZ của Đức.
Theo DR, trong số các quan chức bị do thám ở Đức có Thủ tướng Angela Merkel, Ngoại trưởng khi đó là ông Frank-Walter Steinmeier và chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Peer Steinbruck./.
Theo TTXVN