Nhiều nỗ lực nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Thứ tư, ngày 03/04/2019

Theo kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018 được công bố hôm qua (2-4), Bình Dương xếp thứ 39/61 tỉnh, thành phố (dữ liệu 2 tiêu chí về công khai minh bạch và kiểm soát tham nhũng của Quảng Ninh và Đồng Tháp có sai số lớn nên không xác định được điểm số). Đối chiếu với năm 2017, Chỉ số PAPI của Bình Dương năm 2018 đã được cải thiện rõ nét, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm cao của tỉnh trong thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI.

(BDO)

 Chỉ số thủ tục hành chính công năm 2018 của Bình Dương có sự cải thiện khá mạnh mẽ. Trong ảnh: Cán bộ công chức tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh tận tình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Cải thiện đáng kể

Theo kết quả khảo sát, Bến Tre, Lạng Sơn và Bắc Giang là những tỉnh có điểm số nằm trong nhóm cao trong các nhóm chỉ số nội dung mà PAPI đo lường… Trong 6 chỉ số nội dung được đo lường năm 2018 (thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử so với năm 2017), các chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công hầu hết các tỉnh, thành phố đều có số điểm cao (từ 6 - 7 điểm). Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, chỉ số quản trị điện tử, một trong hai chỉ số mới được thêm vào trong năm 2018 đa số các địa phương đều có mức điểm thấp.

Chỉ số PAPI (Public Administration Performance Index) là công cụ theo dõi và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách liên quan đến quản trị và hành chính công, đo lường mức độ hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam. Phương pháp xây dựng chỉ số là thông qua điều tra, khảo sát, phản ánh trải nghiệm của người dân khi tương tác với chính quyền cấp cơ sở hay khi sử dụng dịch vụ công.

Tổng hợp các chỉ số, trong năm 2018, Bình Dương đạt 43,51 điểm. Cụ thể các chỉ số của Bình Dương tăng trong năm 2018 như sau: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,28 điểm, tăng so với năm 2017); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,82 điểm, tăng so với năm 2017); thủ tục hành chính công (7,44 điểm, tăng so với năm 2017); quản trị môi trường (4,22 điểm); quản trị điện tử 3,08 điểm)... Các chỉ số nội dung: Tham gia của người dân cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và Quản trị môi trường thuộc nhóm 3. Các chỉ số thủ tục hành chính công và quản trị điện tử thuộc nhóm 2 (trung bình cao). Đặc biệt, chỉ số kiểm soát tham nhũng của tỉnh trong năm 2018 đã tăng mạnh so với năm 2017 (từ 4,99 lên 6,82) và thuộc nhóm 1 ( nhóm 16 tỉnh, thành cao nhất cả nước).

Phản ánh sự nỗ lực

Cách đây hơn 1 năm, ngay khi các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 được công bố, Bình Dương xếp hạng 14 về Chỉ số PCI và 62 về Chỉ số PAPI, UBND tỉnh đã có cuộc họp để nhìn nhận nguyên nhân giảm thứ bậc Chỉ số PCI và Chỉ số PAPI năm 2017, từ đó đề ra các giải pháp để quyết tâm cải thiện các chỉ số này trong năm 2018. Tại cuộc họp này, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những điểm mạnh vốn có, nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân và nhanh chóng khắc phục các chỉ số thành phần PCI bị giảm điểm so với năm trước. Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất bộ công cụ, tiêu chí chung về Chỉ số PAPI để triển khai, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện; Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bám sát các nội dung của bộ tiêu chí; đẩy mạnh xây dựng chính quyền, công sở thân thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch…

Theo ông Trần Khắc Tuấn, Phó phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ, với sự quyết tâm cao, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1824/UBND-NC về việc kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2017 và giải pháp nâng cao chỉ số trong những năm tiếp theo. Theo đó, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8-11- 2011 của Chính phủ, gắn với nâng cao nhận thức và quyết tâm trong hành động của các cấp chính quyền; triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, gắn với xây dựng chính quyền thân thiện, công sở thân thiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong phục vụ nhân dân. Song song đó là thực hiện nghiêm túc những giải pháp và nhiệm vụ triển khai cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

Cho đến nay, những nỗ lực của tỉnh trong năm qua về cải thiện các Chỉ số PCI và PAPI của tỉnh đã phát huy hiệu quả khi cả thứ hạng về các chỉ số trên của tỉnh đều được cải thiện rất rõ nét. Ông Trần Khắc Tuấn cho biết thêm, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ có các báo cáo phân tích, đánh giá những điểm mạnh, hạn chế trong Chỉ số PAPI năm 2018 trình UBND tỉnh; qua đó tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai các văn bản về việc duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong thời gian tới.

Với sự quyết tâm cao, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1824/UBND-NC về việc kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2017 và giải pháp nâng cao chỉ số trong những năm tiếp theo. Theo đó, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành; Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước...

 CAO SƠN