Nhiều ngân hàng chưa thu phí rút tiền ATM nội mạng

Thứ sáu, ngày 01/03/2013

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ hôm nay (1-3), các NH sẽ thực hiện thu phí rút tiền ATM nội mạng. Tuy vậy, đại diện nhiều NH tại Bình Dương cho biết chưa áp dụng thu loại phí này.

 Ưu đãi chủ thẻ

Đại diện NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) chi nhánh Bình Dương cho biết đến trưa ngày 28-2, chi nhánh NH này vẫn chưa nhận được quyết định về việc thu phí nội mạng ATM. Còn NH Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết sẽ miễn phí rút tiền tại hơn 14.000 máy ATM của các NH nội địa trong cả nước. Cụ thể, VIB sẽ miễn phí rút tiền tại các máy ATM của các NH nội địa trong 6 tháng đầu kể từ ngày khách hàng mở mới hoặc từ ngày 15-6 đối với khách hàng hiện tại. Từ tháng thứ 7 trở đi, VIB sẽ tiếp tục miễn phí với những tài khoản duy trì số dư bình quân tháng trước từ 500.000 trở lên.    Khách hàng đến rút tiền tại một trụ ATM trên quốc lộ 13, TP.Thủ Dầu Một

Tương tự, NH Phát triển Mê Kông (MDB) cũng khẳng định trên website là chưa thực hiện thu phí ATM nội mạng và ngoại mạng đối với khách hàng. Hiện tại mọi giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng đều được NH này miễn phí. NH Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital-VCCB) cũng miễn phí các giao dịch nội mạng như tra cứu số dư, chuyển khoản nội bộ, truy vấn thông tin, in sao kê cho khách hàng của mình. Đại diện NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV) cũng khẳng định chưa áp dụng thu phí rút tiền nội mạng...

Đầu tư cho tương lai

Nhiều NH nhìn nhận, đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, ai cũng muốn thu lợi nhuận, tuy nhiên trong bối cảnh thu nhập của đại bộ phận người dân vẫn còn thấp, chủ thẻ không sử dụng hoặc để rất ít tiền trong thẻ và một tỷ lệ khá lớn người dân vẫn chưa có thói quen thanh toán bằng thẻ. Do đó, nhiều năm qua hoạt động thu từ ATM của NH chưa bao giờ có lãi. Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương Trần Ngọc Linh, cho biết mặc dù không có lãi nhưng để duy trì hệ thống ATM hoạt động, NH phải mất rất nhiều chi phí khác nhau, như mua sắm máy ATM, chi phí làm trạm, chi trả tiền điện, tiền thuê mặt bằng, thuê bảo vệ, thuê đường truyền viễn thông, mua camera giám sát, bảo trì máy...

“Tùy theo chính sách khách hàng và thế mạnh của từng NH mà một số NH có thể quyết định không thu phí nội mạng. Đây là hình thức cạnh tranh lành mạnh và không trái với Thông tư 35. Những quy định trong Thông tư 35 chỉ là cơ sở pháp lý để NHNN kiểm tra, giám sát và ngăn chặn việc NH thu phí vượt mức quy định”.

(Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường)

Trả lời một số ý kiến cho rằng, các NH được hưởng lợi lớn từ số tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp của chủ thẻ, ông Linh cho rằng nếu hiểu như vậy là chưa đúng thực tế, vì lượng tiền tồn trong thẻ không đáng kể, trong khi các NH phải để một lượng lớn tiền mặt tại các máy ATM và cần dự trữ một lượng tiền lớn hơn để phục vụ thường xuyên công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Số tiền được duy trì thường xuyên tại một máy ATM trung bình khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các NH cũng đã cung cấp tiện ích trên ATM cho khách hàng có thể chuyển một phần tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn với lãi suất thị trường. Như vậy, với số lượng trên 1.300 máy ATM trong hệ thống, BIDV thường xuyên phải duy trì số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

“Nếu lấy lượng tiền trên nhân với lãi suất tiền gửi thị trường thì sẽ thấy được mức đầu tư so với lợi nhuận là không lớn. Tuy nhiên, để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, các NH buộc phải xây dựng hệ thống ATM. Về phía các NH, cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cho khách hàng để tương xứng với kỳ vọng của người dùng thẻ và đẩy nhanh hơn việc phát triển dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam”, ông Trần Ngọc Linh nói.

THANH HỒNG