Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực đến với người “lầm lỗi”
(BDO) Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng trong thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Bằng nhiều biện pháp, cách làm trong đó sự quan tâm, động viên, sẻ chia của toàn xã hội, những người lầm lỗi đã phấn đấu vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống.
Trang bị kiến thức pháp luật cho các phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù
Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật
Thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện chương trình học tập đối với phạm nhân là bước chuẩn bị, trang bị những kiến thức cần thiết để vận dụng khi chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, 2 tháng trước khi chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân được phổ biến thời sự, chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thị trường lao động, giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức cần thiết khác và hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, THNCĐ. Cụ thể là hàng năm có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù THNCĐ với 142 buổi tuyên truyền pháp luật cho 23.100 người tham gia; 6 lớp tập huấn kỹ năng vận động toàn dân tham gia phòng chống, phát hiện tố giác tội phạm, phát 9.100 sách tài liệu đến Mặt trận các địa phương.
Ngoài ra, Công an tỉnh còn phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tăng cường các biện pháp bảo đảm THNCĐ, tạo việc làm cho người sau khi chấp hành án phạt tù. Trong đó, Báo Bình Dương đã thực hiện gần 800 tin, bài ảnh video clip; Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh thực hiện gần 1.000 tin, bài, phóng sự, câu chuyện truyền thanh thông qua chương trình thời sự và các chuyên mục Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, An ninh trật tự, Lối sống đô thị.
Ban Chủ nhiệm mô hình 6+1 của Ủy ban MTTQ phường Đông Hòa (TP.Dĩ An) thăm, động viên đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Ảnh: NGỌC HÀ
Nhiều mô hình, hoạt động thiết thực
Bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, cho biết căn cứ chương trình phối hợp giữa Hội LHPN và Công an tỉnh về việc “Tăng cường các biện pháp bảo đảm THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù” và công tác tuyên truyền cho phạm nhân nữ, người chấp hành án phạt tù. Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình, Câu lạc bộ, tổ, nhóm nhằm thu hút, tập hợp hội viên tham gia các cuộc tuyên truyền pháp luật. Đến nay, hội có 305 mô hình với hơn 4.800 thành viên tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Thắp sáng niềm tin, Chủ nhà trọ.
Bà Huỳnh Thị Thúy Phương nhấn mạnh, hiện việc tuyên truyền đến người “lầm lỗi” được các ban ngành quan tâm và chung tay chia sẻ, cụ thể hàng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực cho 270 chị trên địa bàn TP.Thuận An và TP.Dĩ An với mong muốn “Tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Qua chương trình này giúp phụ nữ và trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn và thân thiện góp phần nâng cao nhận thức hướng tới mục tiêu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Song song đó, Hội LHPN tỉnh còn thực hiện chương trình phối hợp cùng Ban Phụ nữ Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật giáo dục cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, trại viên THNCĐ giai đoạn 2021-2026 tại Trại giam An Phước với chủ đề “Không bao giờ từ bỏ”, “Đồng hành cùng ước mơ hoàn lương”, “Sống đẹp, sống có ích, biến ước mơ hoàn lương thành hiện thực”, “Hành trình của niềm tin” đến hàng trăm phạm nhân tiếp cận. Đối với công tác giúp đỡ người THNCĐ, Hội LHPN tỉnh tham gia giúp đỡ 634 lượt người vi phạm pháp luật, hoàn lương, với tổng số tiền giúp đỡ hơn 7 tỷ đồng bằng các hình thức thiết thực như hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xe đạp cho con đối tượng, hỗ trợ chữa bệnh, sửa chữa mái ấm tình thương.
PHƯƠNG QUỲNH - THANH TUYÊN