Nhiều mô hình giúp hội viên, phụ nữ vươn lên trong cuộc sống
(BDO) Thời gian qua, bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bàu Bàng đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hỗ trợ hội viên từng bước cải thiện cuộc sống; giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên giúp đỡ những người xung quanh mình.
Các tổ may gia công trên địa bàn xã Lai Hưng góp phần tạo việc làm cho chị em hội viên phụ nữ
Tạo thu nhập ổn định
Đựợc sự giới thiệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lai Hưng, chúng tôi tìm đến tổ may gia công của chị Lý Thị A ở ấp Lai Khê và nghe kể về quá trình khởi nghiệp chỉ với 1 cái máy may. Đến nay, tổ may gia công do chị A quản lý đã tạo việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ ở địa phương.
Chị Lý Thị A cho biết tổ may gia công có nhiều mặt hàng khác nhau. Đa số chị em tham gia tổ may không có việc làm ổn định, chủ yếu ở nhà nội trợ. “Tham gia tổ may, chị em có thể thuận tiện chăm sóc gia đình nhờ được tạo điều kiện nhận hàng về nhà làm. Tùy theo số lượng sản phẩm làm ra, thu nhập của các chị dao động từ 3-4 triệu đồng/tháng”, chị A cho biết.
Chị A chịu trách nhiệm liên hệ và nhận hàng từ các công ty đem về giao cho thành viên. Sau khi nhận nguyên liệu, chị phân chia cho các thành viên, mỗi người một công đoạn để gia công. Là một trong những thành viên của tổ may gia công này, chị Lâm Thị Oanh nói nhờ được tạo điều kiện nhận hàng về nhà làm, chị vừa làm vừa có thời gian chăm sóc con nhỏ.
Trên địa bàn xã Lai Hưng còn có tổ may gia công của chị Nguyễn Thị Thanh Sương ở ấp Cầu Sắt cũng đã phát huy hiệu quả. Tuy chỉ mới thành lập khoảng 2 năm nay nhưng tổ may gia công của chị Sương góp phần giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương. Hiện tại, tổ may gia công của chị Sương có khoảng 13 chị em làm việc thường xuyên tại cơ sở, thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu đồng. Ngoài làm việc tại chỗ, các chị còn nhận hàng về gia công tại nhà.
Bà Đinh Thị Bích Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Lai Hưng, cho biết các cơ sở may gia công trên địa bàn xã thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho các chị em hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hội LHPN xã cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên chị em hội viên nỗ lực phấn đấu, phát triển kinh tế để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nâng cao đời sống. Thời gian tới, hội sẽ phối hợp và tạo cơ hội để các cơ sở may tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Nhiều hình thức chăm lo
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bàu Bàng, cho biết xác định chăm lo cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn là một trong những nội dung ưu tiên và trọng tâm của công tác hội, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cấp hội căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương và nhu cầu của hội viên để lựa chọn hình thức hỗ trợ, giúp đỡ cho phù hợp.
Cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp huyện Bàu Bàng thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Theo đó, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình với các hình thức, như: Giúp con giống, cây trồng, phân bón, bán thiếu vật tư, cho vay không tính lãi… Tính đến nay, đã có 224 chị khá giúp cho 238 chị khó với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng và giới thiệu việc làm tại các công ty xí nghiệp 168 chị và 145 chị nhận hàng gia công tại nhà.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế giai đoạn 2017-2025”, trong năm 2024 Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã vận động các nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho 8 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 16,5 triệu đồng; gửi 8 ý tưởng khởi nghiệp về Ban Kinh tế Hội LHPN tỉnh và hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 10 hội viên phụ nữ… Trong năm 2024, Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bàu Bàng xét giải ngân cho 1.331 thành viên với số tiền hơn 55 tỷ đồng…
Là một trong những hội viên được nhận hỗ trợ sinh kế từ Hội LHPN huyện, chị Đặng Thị Kim Dung ở xã Cây Trường II, chia sẻ rất vui khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ trên. “Sự quan tâm, hỗ trợ ấy sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn để những hội viên có hoàn cảnh khó khăn như tôi vươn lên ổn định cuộc sống”, chị Dung nói.
Ngoài hỗ trợ tìm việc làm, vay vốn, các cấp hội phối hợp với các ngành, địa phương vận động chị em hội viên phụ nữ duy trì và nhân rộng các mô hình tiết kiệm tại chi, tổ hội để tạo nguồn vốn tại chỗ; giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, mua bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…
Toàn huyện Bàu Bàng hiện có khoảng 97 nữ chủ hộ nghèo và 43 nữ chủ hộ cận nghèo. Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện đã có kế hoạch giúp đỡ bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay vốn, tặng quà, thẻ bảo hiểm y tế… “Thời gian tới, hội tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, tranh thủ huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ hội viên khó khăn; chú trọng triển khai và phát triển các mô hình, hoạt động hỗ trợ nhau phát triển kinh tế ở cơ sở, từ đó giúp hội viên, phụ nữ cải thiện đời sống, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương”, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bàu Bàng, cho biết thêm. |
HỒNG PHƯƠNG