Nhiều loại cây có đúng là “Thần dược” như mọi người đồn đại?

Thứ năm, ngày 06/10/2016

(BDO) Một câu nói vui nhưng xem ra rất có lý rằng: Chúng ta nhìn đi đâu cũng thấy cây thuốc trị ung thư nhưng tỷ lệ mắc bệnh ung thư của người Việt chúng ta cũng “khủng” nhất! Thực tế là ngày ngày mọi người vẫn tiếp tục bày cho nhau nhiều loại cây “thần dược” chữa bá bệnh. Trong khi đó, trong mắt của các thầy thuốc thì vấn đề này lại khác…

Thử điểm mặt những thứ món thuốc mà người Việt chúng ta tự bày cho nhau và ca tụng là “thần dược” trị ung thư và bá bệnh: măng cụt, dưa chuột, rồi lá đu đủ, tới mãng cầu xiêm... Hiện, lá đu đủ và mãng cầu Xiêm đang “đánh vào” niềm tin của bà con. Ai cũng bảo lá đu đủ chữa ung thư phổi và mãng cầu xiêm trị bá bệnh trong đó có ung thư!


Một số thảo dược được chế biến thành trà

Nay có thêm trái sung, cây bồ công anh...  Trước đây vài năm thì cây lược vàng, cần tây nhưng nay cũng ít người dùng tới rồi. Vài năm trước, trà xanh cũng được coi là thần dược. Nay người ta đã bớt ca ngợi trà do sợ thuốc trừ sâu, khâu chế biến bẩn với những phế phẩm không ai dám nghĩ tới… Tiếp theo trà, cà phê cũng được coi là “thuốc” trị nhiều bệnh nếu uống điều độ. Nhưng phải biết có những người bị tim mạch thì cà phê lại thật đáng sợ! Bà con nội trợ thì rỉ tai nhau về công dụng của đủ loại trái, cây, rau củ từ chuối, xoài, sả, gừng, cà chua, bông cải xanh, chanh có tác dụng giết tế bào ung thư. Mật ong, bột quế, tinh bột nghệ… tất tần tật đều được quảng cáo rầm rộ cho việc vừa làm đẹp, vừa chữa bệnh.

Một dạo, bà con cũng thấy người ta đi bán cây mật nhân, lá mật gấu, ba kích, rễ đinh lăng, cây ngủ ngày đất… Tất cả đều có “phong trào” và nay cũng thấy thưa vắng. Thông tin từ mạng rồi bà con rỉ tai nhau  đủ thứ loại “thần dược” chẳng biết đâu mà lần.


Một thời, mãng cầu gai được coi là “thần dược”

Có lần tôi đi trị bệnh ở Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, một cô bày cho cách về kiếm dây, lá cây khổ qua rừng nấu uống sẽ ăn ngon, ngủ ngon, bệnh chi cũng hết! Cô nói tôi uống hơn năm nay rồi, cứ nấu xong cho vào tủ lạnh uống dần. Hỏi đùa cô rằng “bệnh gì cũng hết” sao cô còn đến bệnh viện điều trị và tập vật lý trị liệu, cô ấy có vẻ phật ý và bảo bệnh về xương khớp khó chữa lắm! Phải kiên trì mới được! Người ta đã bày cho mà còn không tin!?…

Đem những điều này hỏi thầy thuốc Lê Hưng, ông cho rằng, đúng là mỗi loại cây trái đều có một vị thuốc trong đó nhưng không có cây nào đại diện cho hết tất cả các chất cần thiết để được gọi là “thần dược”. Chẳng qua là việc quảng cáo phải được đẩy lên, viết hay ho hơn để người ta bán hàng. Cơ địa của mỗi người cũng khác nhau. Có loại tốt cho bệnh này nhưng lại là tối kỵ cho bệnh khác… Bởi vậy nên, mọi người đừng nhắm mắt làm theo những lời khuyên về thuốc men mà hãy đến đúng chuyên khoa để được khám, tư vấn hẳn hoi để tìm ra đúng nguyên nhân mà trị bệnh. Tránh nghe theo những lời đồn đại về “thần dược” rồi bệnh ngày một nặng thêm.

QUỲNH NHƯ