Nhiều kỷ niệm đẹp với đờn ca
ĐCTT có một hấp lực mạnh mẽ, lôi cuốn khán giả mộ điệu. Và tôi cũng thực sự bị cuốn hút với chuyên đề tuyên truyền trên báo Bình Dương về ĐCTT Nam bộ trong thời gian qua.
(BDO)
Tác giả bài viết và nghệ nhân Ba Bá (nghệ nhân chế tác nhạc cụ bằng dừa ở Bến Tre)
Mỗi lần coi ĐCTT là mỗi lần trong tôi gợi lên bao kỷ niệm đẹp của một thời đã qua. Đó là tuổi thơ cùng với bà nội đi coi cải lương ở các gánh hát. Tuy không được thưởng thức ĐCTT một cách thực thụ nhưng những lời ca mang âm hưởng ĐCTT đã đọng lại trong ký ức của tôi. Khi vào đại học, tôi may mắn được gặp TS Mai Mỹ Duyên, một người dành hết tâm huyết, trí lực để nghiên cứu về ĐCTT. Lần đầu tiên tôi được nghe cô ca bài Xuân hoan thể điệu Nam xuân do chính người ba mến yêu của cô sáng tác, tôi như đang đi lạc trong những âm thanh huyền diệu của lời ca, tiếng đờn. Quả thật, ĐCTT có một hấp lực mạnh mẽ, lôi cuốn khán giả mộ điệu, phải theo đuổi và đam mê.
Sau này, tôi thường xuyên được cùng với TS Mai Mỹ Duyên đi đến nhiều hội thi, liên hoan về ĐCTT mà cô làm giám khảo để được cảm nhận nhiều hơn. Đặc biệt là các buổi sinh hoạt định kỳ tại tư gia của cố GS. Trần Văn Khê. Những buổi sinh hoạt thế này vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, quy tụ nhiều tài tử đờn và ca nổi tiếng, biểu diễn một cách ngẫu hứng, “ăn rơ” theo đúng phong cách tài tử. ĐCTT có tính biểu cảm sâu sắc qua cách đờn, ca, hơi điệu, ca từ…
Theo dõi chuyên đề “ĐCTT Nam bộ - Bảo tồn và phát triển” của báo Bình Dương trong thời gian qua, tôi cảm nhận được tình yêu thương và lòng nhiệt huyết của những người làm báo đối với bộ môn nghệ thuật di sản này. Tháng 4 tới đây, Bình Dương sẽ đăng cai tổ chức Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II, góp phần giới thiệu văn hóa địa phương; tạo điều kiện cho các nghệ nhân 21 tỉnh, thành Nam bộ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Hy vọng trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với các hoạt động như: Hội thi nghệ thuật ĐCTT, không gian ĐCTT và không gian ẩm thực. Còn đối với các tài tử sẽ có những buổi hòa đờn, hòa ca đồng điệu tri âm với những ngón nghề tuyệt kỹ để phục vụ khán giả mộ điệu như là cách tri ân những người đã “nuôi sống” ĐCTT. Có như vậy, Festival ĐCTT Quốc gia mới thực sự trở thành một ngày hội lớn của công chúng đam mê ĐCTT. Đây sẽ là động thái tích cực để viên minh châu ĐCTT tỏa sáng trên vùng đất và con người Nam bộ, trong đó có Bình Dương - một địa phương từng lưu dấu bộ “Ngũ Châu” của nhóm nhạc tài tử miền Đông.
BÙI HỮU NGHĨA (Phương pháp viên Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre)