Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà
(BDO) Chiều 9-3, tại Công ty Điện lực Bình Dương, Đoàn Giám sát do bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến phục vụ giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà (ĐNLMTMN)
Các doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Tính đến nay toàn tỉnh có 4.053 dự án, hệ thống ĐNLMTMN, trong đó nhóm công suất từ 100kWp trở lên có 928 hệ thống và 3.125 hệ thống công suất dưới 100kWp.
Theo một số doanh nghiệp, hiện nay do lượng cung cao hơn cầu đối với hệ thống ĐNLMTMN, vì vậy yêu cầu các khu vực cắt giảm công suất tải lên lưới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã kiến nghị đề xuất chính sách hỗ trợ cho những ngày cắt điện tải lên lưới có thể xem xét bù thêm thời gian ký hợp đồng với ngành điện. Đại diện Khu công nghiệp VSIP cũng kiến nghị bổ sung trạm biến áp 110kV cho KCN VSIP3 và cho Tập đoàn Lego.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính sách năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cho doanh nghiệp được lắp đặt để phục vụ sản xuất nhằm đạt chứng chỉ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong sản xuất để xuất khẩu hàng hóa đi các nước khác; kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án ĐNLMTMN về công tác phòng cháy, chữa cháy, giấy phép xây dựng, môi trường. Hội nghị cũng lắng nghe đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan nêu các khó khăn trong công tác đầu tư ĐNLMTMN.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đối với cơ chế, chính sách liên quan công tác phát triển năng lượng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo ĐNLMTMN trên địa bàn tỉnh để đóng góp cho công tác xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan trong thời gian tới.
Minh Duy