Nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết
(BDO) Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang có xu hướng gia tăng số ca mắc. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn; trong đó không chỉ thiếu nhân lực y tế cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống dịch mà còn thiếu cả sự chủ động, tự giác của người dân.
Người dân TX.Tân Uyên tham gia lật úp những dụng cụ chứa nước để diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt mầm bệnh gây dịch bệnh SXH.
Thiếu nhân lực y tế cơ sở
Thời điểm hiện tại đang là cao điểm dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4.172 ca mắc, 8 ca tử vong và phát hiện 795 ổ dịch. Trong tổng số 4.172 ca mắc có 171 ca nặng, tăng 116 ca so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Ngành y tế tỉnh đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chú trọng đến những điểm nóng có nguy cơ bùng phát dịch; đẩy mạnh truyền thông và theo dõi chặt tình hình dịch bệnh đến các khu phố, ấp để đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Khó khăn lớn nhất của ngành y tế Bình Dương là thiếu lực lượng y tế cơ sở khi triển khai các hoạt động phòng chống dịch SXH. Sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc đã gây không ít khó khăn cho hoạt động phòng, chống SXH tại cộng đồng. Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, tuyến xã phải đảm nhận nhiều chương trình, áp lực công việc lớn.
Thống kê tại 91 xã, phường, thị trấn cho thấy, toàn tỉnh còn thiếu hơn 470 nhân viên y tế cơ sở với các chức danh là bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh.
Tại TP.Dĩ An, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn tăng 131% so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 5 ca tử vong. Số ca mắc trên địa bàn TP.Dĩ An có xu hướng tăng mạnh kể từ tuần 16. Qua hệ thống giám sát y tế cho thấy, mầm bệnh SXH Dengue đang lưu hành sâu rộng trên địa bàn do hầu hết các ca SXH ghi nhận đều có kết quả xét nghiệm dương tính với type vi rút DENV-2 (có diễn tiến nặng rất nhanh). Do thiếu nhân lực y tế cơ sở và kỹ thuật nên thành phố chỉ dừng lại ở việc duy trì hoạt động giám sát côn trùng, còn công tác giám sát chỉ số muỗi chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, khâu giám sát huyết thanh học cũng chưa được triển khai, thiếu cán bộ thu thập mẫu làm xét nghiệm xác định type vi rút Dengue đang lưu hành.
Tại thời điểm giám sát 2 phường trọng điểm dịch SXH là Tân Đông Hiệp và Tân Bình, đoàn giám sát của thành phố cũng ghi nhận hồ sơ ổ dịch chưa được cán bộ y tế lưu đầy đủ, chỉ có những hồ sơ ca bệnh tử vong. Qua báo cáo 5 ca tử vong tại TP.Dĩ An cho thấy các bệnh nhân đến khám tại cơ sở y tế trễ, bệnh nhân vào bệnh viện đã chuyển nặng khiến cho công tác điều trị gặp khó khăn. Một số ổ dịch sau khi xử lý vẫn có ca mắc kéo dài do công tác diệt lăng quăng chưa hiệu quả, hoạt động xử lý ổ dịch được phun hóa chất bằng máy lớn nhưng với mật độ dân cư lớn, nhà ở xa đường lớn nên độ bao phủ hóa chất không cao.
Điều đáng nói là các máy phun hóa chất tại Trung tâm Y tế TP.Dĩ An đã hư hỏng. Sau thời gian được huy động, sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19, số lượng máy phun còn sử dụng được là 5 máy phun đeo vai nên không đủ để xử lý dịch khi số ca mắc tiếp tục gia tăng. Ở mỗi khu phố tại phường Tân Bình và phường Tân Đông Hiệp chỉ có 1 máy phun đeo vai phục vụ phun Cloramin B.
Thiếu sự chủ động, tự giác của người dân
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện dịch bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Dự phòng chủ động, phòng chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh SXH.
Với phương châm “Không có muỗi vằn, không có bọ gậy, loăng quăng, không có SXH”, ngành y tế đã nỗ lực vào cuộc nhưng lực lượng chính góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong phòng chống SXH là người dân thì lại chưa phát huy hết vai trò, thậm chí nhiều gia đình còn ngó lơ, đứng ngoài cuộc khi chính quyền phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường.
“Để giải quyết những hạn chế này, ngành y tế phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh giữa các đơn vị dân cư, tăng cường vai trò xung kích của đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể để cùng nhau thực hiện triệt để các biện pháp nhằm kiểm soát, đẩy lùi bệnh SXH một cách hiệu quả”, bác sĩ Chung nói.
Chính sự chủ quan và thiếu tinh thần tự giác diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn vệ sinh tại gia đình, cộng đồng của không ít người dân là một trong những trở lực lớn trong công tác phòng, chống bệnh SXH. Có không ít người dân xem việc phòng chống SXH là nhiệm vụ của ngành y tế nên thiếu sự chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống do ngành y tế phát động. Khi dịch bệnh xảy ra, mọi người trong gia đình mắc bệnh mới bắt tay thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách thụ động. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, nhất là người dân ở vùng đô thị cũng là rào cản lớn trong phòng chống bệnh SXH. Thực tế có người dân tỏ ra thiếu hợp tác, không thực hiện các khuyến cáo phòng chống bệnh mà ngành y tế đưa ra, nhất là khi tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất, xử lý ổ dịch.
Bà Nguyễn Thị Hoài, ngụ phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An vừa bình phục sức khỏe sau thời gian điều trị bệnh SXH đã tích cực cùng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống nguy cơ mắc bệnh dưới sự tuyên truyền, tư vấn của cán bộ y tế địa phương. Bà Hoài cho biết: “Tôi và gia đình không còn chủ quan trong việc phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh SXH như trước, mà sẽ tập thói quen, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, khai thông cống rãnh, vứt hoặc lật úp những dụng cụ chứa nước không cần thiết, thường xuyên thay nước bình hoa chậu cảnh, đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt của gia đình và ngủ màn… để diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt mầm bệnh gây dịch bệnh SXH”.
Kim Hà