Nhiều hoạt động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Thứ ba, ngày 04/12/2018

(BDO) Kỳ thị và phân biệt đối xử (KT&PBĐX) với người nhiễm HIV/AIDS là rào cản rất lớn khiến cho những người có hành vi nguy cơ như tiêm chích ma túy, hành nghề mại dâm, tình dục đồng giới… không muốn đến cơ sở y tế để xét nghiệm HIV. Với những người đã nhiễm HIV, KT&PBĐX cũng làm cho họ lo lắng, không muốn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế. Được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động giảm KT&PBĐX với người nhiễm HIV, bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn…


Lấy máu xét nghiệm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để kiểm tra tình trạng sức khỏe

Triển khai nhiều hoạt động

Bình Dương được xem là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai một chuỗi các hoạt động liên quan đến giảm KT&PBĐX với người nhiễm HIV/AIDS. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, khẳng định Bình Dương là một trong những tỉnh trọng điểm được Bộ Y tế chọn để thực hiện hoàn thành mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (Mục tiêu 90-90-90 có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp). Để giúp Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu này, Tổ chức HAIVN và các tổ chức quốc tế khác đã tài trợ cho Bình Dương rất nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó có những hoạt động về can thiệp, từ truyền thông cho đến tìm kiếm đối tượng, điều trị… “Để sớm đạt mục tiêu 90-90-90, những hoạt động giảm KT&PBĐX có ý nghĩa rất lớn. Nếu hoạt động này mà làm không tốt thì khó thu hút đối tượng tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu 90-90-90 mà chúng ta đã đề ra”, bác sĩ Hà nói.

Với sự hỗ trợ của tổ chức HAIVN, trong năm 2018 (cụ thể là từ cuối tháng 6 đến nay), nhiều hoạt động giảm KT&PBĐX với người nhiễm HIV đã được triển khai trên địa bàn, gồm: Khảo sát đánh giá, tập huấn thu thập số liệu KT&PBĐX, hội thảo giới thiệu dự án, tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về giảm KT&PBĐX, tập huấn giảm KT&PBĐX tại các cơ sở y tế, lồng ghép chương trình giảm KT&PBĐX vào các buổi giao ban tại cơ sở y tế, can thiệp cải tiến chất lượng về giảm KT&PBĐX tại cơ sở y tế… Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TX.Bến Cát là những đơn vị y tế tiên phong trong việc triển khai thực hiện các hoạt động giảm KT&PBĐX liên quan đến HIV. Một hoạt động mấu chốt của chương trình giảm KT&PBĐX mà Bình Dương đã triển khai, đó là thực hiện mô hình can thiệp KT&PBĐX liên quan đến HIV đã được triển khai thí điểm và đã hoàn thành trong tháng 10 vừa qua. Những cơ sở y tế triển khai thí điểm mô hình can thiệp trên đã và đang nỗ lực rất nhiều để mang đến dịch vụ chăm sóc điều trị chất lượng, thân thiện dành cho người nhiễm HIV, những người có hành vi nguy cơ trên địa bàn.

Vai trò người có H trong hoạt động giảm KT&PBĐX

Mới đây tại hội thảo liên quan đến các hoạt động giảm KT&PBĐX với người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh, vai trò của người có H trong hoạt động giảm KT&PBĐX được đưa ra bàn luận khá sôi nổi. Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho rằng khi người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động giảm KT&PBĐX thì hiệu ứng quan tâm của nhân viên y tế đã có tác dụng. Họ quan tâm hơn và đã thay đổi hẳn thái độ với người nhiễm. Nỗi sợ của nhân viên y tế cũng giảm đi rất nhanh, thậm chí là hoàn toàn biến mất khi trực tiếp gặp, nghe những người nhiễm HIV chia sẻ.

Anh Huỳnh V.A.K., là một trong những người nhiễm HIV đã tham gia vào dự án giảm KT&PBĐX trên địa bàn tỉnh từ những hoạt động đầu tiên. Anh K. chia sẻ: “Mới đầu, bản thân em không muốn tham gia những hoạt động này vì tham gia như vậy mọi người sẽ biết em bị nhiễm HIV, với lại em cũng không biết được khi mọi người biết em nhiễm HIV thì chuyện gì có thể xảy ra. Nhưng khi được các anh chị trong Tổ chức HAIVN và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh động viên, chuyện trò về ý nghĩa khi đại diện cho những người nhiễm nói lên nhu cầu, mong đợi của mình trong việc chăm sóc, điều trị em đã hiểu ra và đồng ý tham gia. Thời gian đầu, em rất lo vì nghĩ làm sao mà các bác sĩ hay nhân viên y tế chịu nghe mình nói, nhưng được động viên em đã mạnh dạn hơn và càng về sau thì càng tham gia chia sẻ nhiều hơn. Em cũng không ngờ khi nghe em chia sẻ, các y, bác sĩ trong lớp tập huấn đã thay đổi hẳn thái độ và đồng cảm với em nhiều. Điều đó cho thấy, nhờ hoạt động giao lưu chia sẻ với những người nhiễm như em mà sự KT&PBĐX giữa các y, bác sĩ với những người nhiễm đã giảm đi rất nhiều…”.

Người nhiễm HIV tham gia vào việc đóng góp ý kiến cải tiến chất lượng dịch vụ dành cho người nhiễm HIV tại các phòng khám ngoại trú, tại các khoa, phòng ở các bệnh viện là mong muốn của những người triển khai dự án này tại Bình Dương. Hy vọng, trong thời gian tới, ngành y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng sẽ sớm thiết lập cơ chế này, để người nhiễm có thể nói lên tiếng nói của mình và các bệnh viện cũng từ đó có thể cải tiến chất lượng dịch vụ, đáp ứng được mong đợi của khách hàng ngày càng tốt hơn; góp phần tích cực trong việc giảm KT&PBĐX với người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế.

CẨM LÝ