Nhiều hộ dân bị lừa mua quạt, đèn “thông minh”

Thứ ba, ngày 20/10/2015

(BDO) Ngày 9-10, báo Bình Dương có bài viết “Hàng giả về nông thôn” phản ảnh việc một số người dân ở xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên bị công ty có tên gọi là Công ty TNHH - TM Quốc Tế Giang Sơn “dựa hơi” chính quyền địa phương gửi thư mời đến người dân mời dự hội thảo bán hàng. Vì tin tưởng, nhiều người dân đã bỏ ra nhiều triệu đồng để mua những cây quạt, đèn chiếu sáng mà theo như lời giới thiệu của nhân viên là “hàng thông minh”. Khi mang hàng về xài, người mua mới biết mình bị lừa. Những ngày qua báo Bình Dương tiếp tục nhận được phản ảnh của người dân ở huyện Phú Giáo cho biết họ cũng bị lừa tương tự.

 4 thành viên trong gia đình bà Hạnh mua 4 máy quạt và đèn “thông minh” trị giá trên 10 triệu đồng nhưng không sử dụng được. Ảnh: C.KHANH

Theo bà Nguyễn Thị Thương, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng huyện Phú Giáo thì có rất nhiều người dân và kể cả cán bộ của một số xã ở Phú Giáo bị lừa mua hàng giả với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Điều đáng nói là người dân được mời đến dự “hội thảo” và mua hàng ngay tại hội trường UBND xã.

Nhân viên của công ty “ma”

Thông tin từ người dân phản ánh, có một nhóm người tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH - TM Quốc Tế Giang Sơn đến huyện Phú Giáo liên hệ để “nhờ” gửi công văn đến các xã, “hỗ trợ” gửi thư mời người dân ở địa phương đến mua hàng tiêu dùng. Sau đó thư mời của công ty trên nhanh chóng được ban điều hành các ấp gửi đến nhiều người dân mời tham gia “hội thảo” và nhiều người đã bị lừa!

Bà Nguyễn Hồng Hạnh (ngụ ấp Sa Dụp, xã Phước Sang) thuật lại sự việc trong bức xúc: “Bản thân tôi là dân lao động nghèo, kiếm được đồng tiền rất khó khăn. Là phụ nữ mà vẫn phải dậy sớm thức khuya đi cạo mủ thuê mỗi tháng kiếm được 2,5 triệu đồng. Thời điểm cuối năm 2014, gia đình tôi và nhiều người dân trong xã nhận được thư mời thông báo tham gia “hội thảo bán hàng tiêu dùng” thông qua xã nên chúng tôi rất tin tưởng và đến tham gia mua hàng. Tôi nhớ lúc đó trong nhà không có tiền, tôi phải đi mượn để mua cái quạt và đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời với giá hơn 4 triệu đồng, kèm theo phiếu bảo hành mang tên Công ty TNHH-TM Quốc Tế Giang Sơn (có địa chỉ số T115 khu TĐC dự án Dốc Hội, Đại học Nông Nghiệp 1, thị trấn Châu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội, kèm theo địa chỉ liên hệ tại số 30-4 Mương Đào, TX.Bến Cát tên đại lý Vân Anh) rất cụ thể”.

Bà Hạnh cho biết khi đem hàng về nhà sử dụng không được, bà liên lạc qua số điện thoại trong địa chỉ trên để phản ánh. Lần đầu bên công ty có người nghe máy, nghe phản ánh, họ hứa sẽ cho người qua bảo hành và đổi hàng lại. Nhưng sau đó không thấy ai quay lại. Gia đình bà Hạnh đã thuê xe tìm xuống địa chỉ của đại lý Vân Anh ở TX.Bến Cát nhưng không có. Tiếp tục gọi điện thoại thì họ trả lời là địa chỉ đã dời về Thành phố mới Bình Dương. Bà Hạnh lại tìm ở Thành phố mới nhưng vẫn không có. Sau đó thì bà không liên lạc được với người của Công ty Quốc tế Giang Sơn nữa.

Không riêng gì bà Hạnh, ông Nguyễn Công Thành, Nguyễn Hồng Phúc và Nguyễn Ngọc Liễu, là anh chị em ruột với bà Hạnh cũng bị dính quả lừa. Họ cho biết lúc nhân viên công ty giới thiệu các tính năng của quạt, đèn, không ai nghĩ rằng mình bị lừa. “Lời rao của các nhân viên rất điệu nghệ, nào là quạt thông minh, chỉ cần ra lệnh là quạt hoạt động, ai nghe cũng sướng tai. Tuy nhiên, chúng tôi đem hàng về nhà ra lệnh quạt bằng lời nói nhưng không được. Lúc này mọi người mới biết là bị lừa”, một nạn nhân bức xúc.

Cán bộ xã cũng bị lừa!

Theo bà Nguyễn Thị Thương, không chỉ người dân của xã Phước Sang bị lừa, mà còn một số người dân của các xã An Linh, An Thái, Vĩnh Hòa, Phước Hòa (huyện Phú Giáo) cũng bị lừa. Các ông Lê Đức Th., Huỳnh Bình C., Nguyễn Quốc T. (cán bộ của xã Phước Hòa) khi nghe giới thiệu cũng bỏ ra mỗi người 4 triệu đồng để mua 1 quạt máy và 1 đèn chiếu sáng và cũng bị lừa. Một nạn nhân thuật lại sự việc như sau: “Ban đầu, một nhóm người xưng là nhân viên của công ty đến địa phương liên hệ với Hội Nông dân của xã để thông qua và “nhờ” cán bộ ấp gửi thư vận động người dân đến dự “hội thảo mua hàng tiêu dùng”, có quà tặng mỗi người một cái bát sứ. Nghe vậy, nhiều người dân đến tham gia mua hàng. Sau khi mua xong, chúng tôi đem hàng về không sử dụng được nên liên lạc với công ty thì họ trả lời là đang bán hàng ở xã An Thái. Chúng tôi đến địa chỉ trên nhưng không thấy, điện thoại không được. Biết mình bị lừa, chúng tôi chỉ biết cười huề…!”.

Quá bức xúc, bà Hạnh và một số người dân đã phản ánh sự việc đến lãnh đạo xã. Ông Trịnh Thanh Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Sang, cho biết đã liên hệ với đơn vị bán hàng trao đổi sự việc. Lúc đầu phía bên công ty có hứa sẽ đến xem xét khắc phục và đổi hàng lại cho người dân nhưng sau đó không thấy họ quay lại. Người dân và địa phương tiếp tục liên lạc qua điện thoại thì không có ai trả lời.

P.V cũng đã trao đổi với ông Lộc về việc vì sao địa phương lại đồng ý cho đơn vị trên bán hàng trên địa bàn mà không xác minh rõ nguồn gốc, ông Lộc cho biết: “Về việc này phía huyện đã có gửi công văn đồng ý cho bán hàng trên địa bàn nên chúng tôi phải chấp nhận. Ban đầu phía công ty trình bày sản phẩm này sử dụng năng lượng mặt trời nên chúng tôi nghĩ xài vừa có lợi cho người dân, vừa tiết kiệm điện cho nhà nước nên xã đồng ý. Ai ngờ công ty này lại là công ty “ma”, họ lừa cả chính quyền địa phương và người dân, kể cả cán bộ của xã tôi cũng mua hàng với số tiền hàng chục triệu đồng. Từ sự việc trên, địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc, không để bất cứ đơn vị nào tương tự tiếp cận để tiếp thị hoặc bán hàng trên địa bàn”.

Sau đó, người dân đã gửi đơn phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh với mong muốn các ban ngành vào cuộc điều tra, xác minh cụ thể tên công ty và địa chỉ để làm rõ hành vi lừa đảo của công ty này, nhằm tránh gây thiệt hại cho người khác. Bà Phan Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho biết: “Về việc này, hội đã tiến hành phối hợp với quản lý thị trường và ngành chức năng liên quan thành lập ban kiểm tra để tiến hành xác minh cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Hội cũng đã cử người tìm đến từng địa chỉ của công ty ghi trên phiếu bảo hành, nhưng đều là địa chỉ “ma”. Chúng tôi đã liên lạc đến tổng đài VNPT của Hà Nội thì được biết, ngay từ đầu khi đăng ký số điện thoại bàn, bên Công ty Quốc Tế Giang Sơn không đăng ký địa chỉ cụ thể. Sau đó, hội đã gửi công văn về các huyện, thị vận động, tuyên truyền người dân khi mua hàng cần nắm thông tin cụ thể của đơn vị bán hàng, nhãn hàng, mẫu mã đáng tin cậy trên thị trường nhằm tránh trường hợp mua nhằm hàng gian, hàng giả như sự việc vừa qua”.

 Chỉ đồng ý cho treo băng rôn quảng cáo!

Để làm rõ hơn thông tin vì có sự đồng ý của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Giáo nên các xã mới “tạo điều kiện” cho Công ty Quốc Tế Giang Sơn bán hàng ở địa phương, P.V đã liên lạc qua điện thoại với ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Giáo về việc này. Ông Trí cho biết: “Chúng tôi chỉ cho phép đơn vị bán hàng liên hệ với xã treo băng rôn quảng cáo thôi, chứ chúng tôi không có chức năng cho đơn vị nào bán hàng trên địa bàn. Chắc do có sự hiểu nhầm của địa phương, xã mới cho phép đơn vị này bán hàng trên địa bàn nên người dân mới bị lừa mua hàng giả như vậy!”.

 
CÔNG KHANH