Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân tộc

Thứ tư, ngày 09/03/2016

(BDO) Năm 2015, tình hình kinh tế Bình Dương tiếp tục phát triển, từ đó tỉnh có điều kiện đầu tư, chăm lo, nâng cao đời sống của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nói riêng. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và khuyến nông là 2 giải pháp mũi nhọn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm truyền tải đến bà con nhằm giúp ĐBDTTS sống theo pháp luật và làm theo khoa học.


Ông Kho Sanh (xã Minh Hòa, Dầu Tiếng) ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng thử nghiệm cây sầu riêng

Đưa Luật và khoa học, công nghệ đến với ĐBDTTS

Bình Dương hiện còn 42 hộ ĐBDTTS nghèo, chiếm 0,93% tổng số hộ ĐBDTTS trên địa bàn. Cùng với việc quan tâm nâng cao đời sống ĐBDTTS, các cấp chính quyền đã tích cực thực hiện tiểu đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS. Năm qua, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố, Sở Tư pháp, Trung tâm Khuyến nông tổ chức 9 lớp phổ biến pháp luật về Luật Giao thông đường bộ, Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 563 lượt người tham dự; tổ chức 3 buổi khảo sát nắm bắt nhu cầu phổ biến pháp luật của ĐBDTTS và gặp mặt đồng bào để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.

Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn khuyến nông về trồng và chăm sóc cây cao su, cây tiêu ở 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh với 216 lượt người tham dự. Cùng với đó, đã tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ nòng cốt của 55 xã, tổ chức hội nghị tập huấn công tác dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc ở 9 huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn. Hợp đồng với Báo Bình Dương cấp phát báo cho cán bộ nòng cốt ĐBDTTS trong tỉnh.

Từ việc hiểu luật, nắm bắt khoa học kỹ thuật, cuộc sống của bà con ĐBDTTS ngày càng được nâng cao và bà con ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Văn Chúc, cán bộ nòng cốt ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng chia sẻ: “Đi qua nhiều nơi, tôi thấy Đảng, chính quyền Bình Dương rất quan tâm chăm lo mọi mặt, đặc biệt là đưa pháp luật và cách làm nông nghiệp công nghệ cao đến với ĐBDTTS. Từ đó, chúng tôi hiểu, sống và làm việc theo pháp luật, làm ăn theo khoa học, đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Giải pháp nâng cao công tác dân tộc

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, do ĐBDTTS sống không tập trung nên gây khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ làm công tác dân tộc ở cấp huyện, xã thường xuyên thay đổi nên gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như thực hiện công tác dân tộc. Kinh tế Bình Dương ngày càng phát triển, người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có ĐBDTTS di cư đến Bình Dương làm ăn sinh sống ngày càng đông, tạo áp lực lớn về giáo dục, chăm sóc y tế, an ninh trật tự.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ĐBDTTS, tỉnh đã đề ra Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện tiểu đề án 2 (tiểu đề án phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS); xây dựng một số chính sách để giảm nghèo trong ĐBDTTS. Đề nghị Ủy ban dân tộc và các bộ, ngành Trung ương có quyết định cụ thể về biên chế cán bộ cho cơ quan phụ trách công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện để bảo đảm nhân lực thực hiện chiến lược phù hợp theo từng vùng, miền.

Cùng với việc thực hiện tốt công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa, Bình Dương phấn đấu làm tốt công tác dân tộc. Thời gian qua dù không được Trung ương cấp kinh phí cho mảng công tác dân tộc, song Bình Dương cũng đã cố gắng hoàn thành công tác này và được Trung ương cũng như chính bà con ĐBDTTS đánh giá tốt. Để công tác này, cũng như đời sống ĐBDTTS ở Bình Dương bắt kịp nhịp phát triển kinh tế công nghiệp của địa phương, cần lắm sự quan tâm thiết thực của Trung ương và sự xã hội hóa công tác dân tộc.

NGUYỄN ẢNH