Nhiều giải pháp để Bình Dương xây dựng thành phố thông minh

Thứ năm, ngày 11/08/2016

Chiều qua (10-8), tại Trung tâm Hành chính tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đã tổ chức Hội thảo “Mô hình thành phố thông minh và các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước”. Tham dự hội thảo có ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AIC cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế.

(BDO)

 Bình Dương có nhiều điều kiện để xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG AN

Xác định bước tiến bền vững hơn

Theo báo cáo, sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và gần 20 năm tái lập, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ, nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực vượt thách thức vươn lên mạnh mẽ, trở thành một tỉnh công nghiệp và là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế của Việt Nam.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và nhằm xác định bước tiến bền vững hơn trong tương lai, ngày 28- 3-2016 vừa qua, UBND tỉnh, Lãnh sự quán Hà Lan tại Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Bình Dương hướng tới thành phố thông minh với chủ đề “Cùng kiến tạo tương lai bền vững”. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, góp phần hình thành quan điểm và xác định mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển theo mô hình đô thị thông minh. Cũng trên cơ sở kết quả đạt được của hội thảo này, vừa qua, Tỉnh ủy đã thống nhất về chủ trương và đề ra định hướng quan trọng trong thực hiện Đề án thành phố thông minh, tạo tiền đề trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới với 5 mục tiêu trọng tâm, cơ bản gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quy hoạch đô thị văn minh, hiện đại; phát triển dịch vụ có hàm lượng tri thức cao; huy động các nguồn lực để phát triển; xây dựng thương hiệu và chương trình tiếp thị mang tầm quốc tế cho tỉnh.

Để phát triển mô hình thành phố thông minh, xác định những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, tại hội thảo, nhiều giải pháp về giao thông thông minh, môi trường thông minh, y tế thông minh đã được các chuyên gia thuyết trình. Đại diện Công ty ST Electronics (Singapore) đã thuyết trình giải pháp về giao thông thông minh gồm trung tâm điều khiển giao thông; nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera giám sát, hệ thống thực thi pháp luật… Giải pháp ứng dụng ITS (hệ thống giao thông thông minh) để giải quyết bài toán giao thông đô thị là cần thiết để đáp ứng về lợi ích kinh tế, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường và an toàn tiện nghi cho người tham gia giao thông. Theo chuyên gia này, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống ITS, hướng đến một chiến lược tổng thể về xây dựng thành phố thông minh.

Đại diện Công ty Jaks Resources Berhad (Malaysia) thì chia sẻ, Bình Dương là một tỉnh đầu tư tốt hệ thống quan trắc môi trường. Tuy nhiên, về quan trắc thải tự động, Bình Dương vẫn chưa có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, chưa khai thác hết nguồn số liệu quan trắc được; trong khi đó khâu xử lý số liệu, chia sẻ dữ liệu, tính kết nối và báo cáo còn hạn chế… Do đó, để Bình Dương phát triển mô hình thành phố thông minh, tỉnh cần đầu tư xây dựng trung tâm điều hành chung toàn bộ hệ thống do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, vận hành, được kết nối và giám sát bởi UBND tỉnh. Bình Dương cũng cần mời chuyên gia quốc tế rà soát hiện trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; cùng với đó quy hoạch tổng thể mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; áp dụng mô hình quản lý thông minh…

Luôn đổi mới, sáng tạo

Nhằm góp phần xây dựng thành công mô hình thành phố thông minh, tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo; trong đó tập trung vào những giải pháp giáo dục thông minh, vườn ươm khoa học - công nghệ. Theo các chuyên gia, giáo dục dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực thông minh là môi trường giáo dục được trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý (xuyên suốt từ Trung ương tới trường, lớp học) trong công tác giảng giải và học tập, đồng thời kết nối internet và truyền hình truy cập trực tiếp tới các học liệu, điện tử, tiêu chuẩn quốc tế với đội ngũ cán bộ quản lý. Giáo viên và học sinh được đào tạo bài bản để nắm chắc việc sử dụng hệ thống trong trường học.

Đề xuất về giải pháp giáo dục thông minh, nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Dương cần xây dựng các đề án trọng tâm, trọng điểm đạt chuẩn quốc tế để triển khai và quyết tâm thực hiện thành công các đề án: trường thông minh, trường chuyên, chuẩn hóa cơ bản các trường học trong toàn tỉnh, các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng các trường nghề trong tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu xã hội… Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng hệ thống quản lý thông minh chung kết nối với các trường học trong hệ thống giáo dục - dạy nghề và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh gắn kết với hệ thống giáo dục thông minh toàn quốc…

Đối với Vườn ươm khởi nghiệp, đây là môi trường, nơi để thực hiện những ý tưởng sáng tạo; là cộng đồng khởi động những dự án mạo hiểm mới… Ông James Chang, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn GKE (Hoa Kỳ) - chuyên gia về vườn ươm khởi nghiệp toàn cầu cho biết, không nên nghĩ khởi nghiệp chỉ đơn thuần là thành lập một doanh nghiệp, mà khởi nghiệp là góp phần tạo lên một nguồn nhân lực biết phát huy tinh thần sáng tạo, làm giàu. Theo ông, cần thu hút các công ty lớn tham gia đầu tư kỹ thuật mới; tập hợp sinh viên xuất sắc, nhà nghiên cứu, doanh nhân trẻ cùng tham gia; đồng thời cập nhật các xu hướng sáng tạo, khởi nghiệp, hình thành trung tâm khởi nghiệp. Ngoài ra, cần bồi dưỡng nhân lực và doanh nghiệp xuất sắc, trong đó tạo cơ hội phát triển, mời các sinh viên, nhà khoa học, doanh nhân trẻ gia nhập Vườn ươm khởi nghiệp…

Nhằm hỗ trợ địa phương thực hiện thành công mô hình Vườn ươm khởi nghiệp, theo ông Chang, cần chuyển giao bộ tiêu chuẩn Vườn ươm quốc tế; tư vấn thiết kế và triển khai mô hình Vườn ươm khởi nghiệp tại Bình Dương; cùng với đó chuyển giao quy trình vận hành Vườn ươm khởi nghiệp tiêu chuẩn quốc tế, cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực vận hành vườn ươm…

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn; xác định những giải pháp tổng thể trong việc xây dựng thành phố thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. UBND tỉnh tin tưởng, hội thảo lần này sẽ mang đến cho tỉnh Bình Dương những kiến thức quan trọng để phát triển mô hình thành phố thông minh, xác định những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Từ đó, tạo tiền đề cho Bình Dương phát triển bền vững, luôn đổi mới, sáng tạo nhằm tiết giảm về chi phí xã hội và tiêu thụ tài nguyên trong quá trình phát phát triển. Đồng thời, qua đó giúp tỉnh cải thiện sự tương tác giữa người dân và chính quyền, mang đến cho nhân dân một cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp, văn minh và hiện đại hơn, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố thông minh, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

  PHƯƠNG LÊ