Nhiều giải pháp chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mầm non

Thứ sáu, ngày 22/12/2023

(BDO) Toàn tỉnh hiện có 438 trường mầm non, mẫu giáo (trong đó có 118 trường công lập, 320 trường tư thục), 657 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập tư thục. Những năm qua, công tác bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non (GVMN) tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quan tâm và đẩy mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Đội ngũ GVMN đang nỗ lực nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục. Trong ảnh: Cô và trò trường Mầm non Võ Thị Sáu (TP.Dĩ An)

 Nâng cao năng lực cho GVMN

Năm học 2023-2024, trường Mầm non Hoa Mai 4 (phường Thuận Giao, TP.Thuận An) có 9 lớp học với đội ngũ giáo viên là 15 người, trong đó có 9 giáo viên đạt trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 60%; 1 giáo viên đạt trình độ cao đẳng, chiếm tỷ lệ 6,67% và 5 giáo viên đạt trình độ trung cấp, chiếm tỷ lệ 33,33%. Trong những năm qua, nhà trường luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Theo cô Phan Thị Tuyết Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai 4, tất cả giáo viên ở trình độ trung cấp của nhà trường đang trên lộ trình tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn và sắp hoàn thành khóa học. Vào đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn triển khai và quán triệt các quy định của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo với đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm với trẻ; thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.

Bên cạnh đó, cứ 2 tuần/1 lần, Ban Giám hiệu sẽ tổ chức họp chuyên môn định kỳ bồi dưỡng nội dung cần thiết cho đội ngũ theo tình hình thực tế. Nhà trường cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn chuyên môn vào các đợt trong hè và đầu năm học; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm thực tế kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ thông qua các hình thức: Họp chuyên môn trực tiếp; nhóm Zalo; nhóm ứng dụng các hoạt động bằng hình thức tạo các video clip…

Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhiệm vụ đặt lên vai mỗi cán bộ, giáo viên nói chung và GVMN nói riêng là không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục. Thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành giáo dục, những GVMN cũng luôn ý thức và chủ động tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho bản thân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Cô Đặng Thị Thu Thủy, giáo viên trường Mầm non Võ Thị Sáu (TP.Dĩ An) chia sẻ: “Bản thân là GVMN, tôi luôn tham gia đầy đủ các khóa học nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn, tiếp cận các phương pháp dạy học tiên tiến khi được nhà trường tạo điều kiện. Mặt khác, tôi luôn ý thức bản thân phải luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những giáo viên đi trước; tìm tòi, nghiên cứu soạn giảng theo chương trình đổi mới nhằm gây hứng thú cho trẻ để trẻ cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Từng bước chuẩn hóa

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết, mầm non là bậc học rất quan trọng, là bậc học đầu tiên mà trẻ em được tiếp cận với môi trường giáo dục. Do đó, GVMN có vai trò đặc biệt trong hệ thống GD&ĐT, góp phần hình thành nhận thức đầu đời trong trẻ, có ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ quá trình học tập dài lâu sau này. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở GD&ĐT luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN.

Ngành GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp từng bước nâng cao chất lượng và thực hiện chuẩn hóa đội ngũ GVMN như: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; rà soát, xắp xếp lại cán bộ giáo viên; triển khai đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GVMN; tăng cường thăm lớp, dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp… Hàng năm, Sở GD&ĐT phối hợp trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý GDMN.

Ngoài ra, sở còn phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng; đạo đức nghề nghiệp; phòng chống bạo hành trẻ… cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, bảo mẫu và chủ cơ sở GDMN độc lập, cha mẹ trẻ. Chính vì vậy, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, GVMN có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực GDMN.

Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục tích cực đổi mới các hoạt động chuyên môn, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức hội giảng, hội thảo theo cụm trường, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, công tác thông qua mạng internet. Ngành GD&ĐT các huyện, thị, thành phố đã rà soát đội ngũ GVMN, tạo điều kiện về thời gian, sắp xếp lịch giảng dạy phù hợp để giáo viên trong diện chưa đạt chuẩn được tham gia học lên cao đẳng, đại học.

 Theo Luật Giáo dục 2019, cao đẳng sư phạm được xem như trình độ chuẩn được đào tạo của GVMN. Tính đến cuối năm học 2022-2023, toàn cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh có 15.888 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; trong đó có 819 cán bộ quản lý, 7.090 giáo viên, tập trung chủ yếu là GVMN tư thục. Toàn tỉnh hiện có 687/819 cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn trở lên chiếm 83,88%; trong đó trên chuẩn là 539/819 người, đạt 65,81%. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên là 4.148/7.090 người, đạt tỷ lệ 58,5% (tăng 0,88%), trong đó trên chuẩn là 2.503/7.090 người, đạt tỷ lệ 35,3% (tăng 2,34%).

 HỒNG PHƯƠNG