Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường
(BDO) Giữa tháng 8, các trường trong tỉnh bắt đầu bước vào năm học mới, đây cũng là thời điểm các phương tiện tham gia giao thông nhiều hơn. Từ đó kéo theo nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt ở trước cổng trường và trên các tuyến đường gần trường học. Để giảm ùn tắc, bảo đảm trật tự ATGT trước cổng trường cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho học sinh, một số trường đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể…
Lực lượng đoàn viên thanh niên trường THCS Ngô Thời Nhiệm tham gia phân luồng giao thông sau giờ tan học
Giảm áp lực giao thông trước cổng trường
Trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) năm học 2018-2019 có 27 lớp với khoảng 1.900 học sinh. Nhận định vào giờ tan tầm, đặc biệt là vào giờ cao điểm, tình trạng giao thông trên đường lại càng phức tạp hơn vì học sinh ra về, phụ huynh đưa đón con em dừng trước cổng trường. Từ thực tế trên, Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều cách làm thiết thực để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường.
Năm học này, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục áp dụng các giải pháp hiệu quả về việc phân bố thời gian tan học của các lớp, các khối. Thời gian tan học của các lớp bán trú, lớp thường, lớp tạo nguồn được bố trí khác nhau để tạo sự thuận lợi cho phụ huynh khi đưa đón học sinh. Năm học mới này, giáo viên nhà trường tiếp tục phối hợp với lực lượng dân quân địa phương, lực lượng bảo vệ tổ chức phân luồng lối ra cho học sinh đến các cổng khác nhau vào giờ cao điểm để giảm áp lực giao thông.
Về phía trường THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm lại có sự tham gia nhiệt tình của chi đoàn thanh niên và đội bảo vệ. Quanh khu vực cổng trường vẫn còn nhiều trường hợp học sinh chạy xe chở quá số người quy định hoặc không đội nón bảo hiểm, chạy ngược chiều... Không chỉ các em học sinh mà ngay cả các bậc phụ huynh khi đưa đón con em mình cũng chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, chính vì điều này dẫn đến nguy cơ ùn tắc khu vực cổng trường. Từ năm học 2014-2015, Ban Chấp hành Đoàn trường đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và thống nhất xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”. Để thực hiện công việc này, hàng ngày Chi đoàn Giáo viên cùng các bạn đoàn viên thanh niên từ khối 10 đến khối 12 thành lập “Đội trực ban ATGT” làm nhiệm vụ hướng dẫn và tuyên truyền giao thông tại khu vực cổng trường. Ban Chấp hành Đoàn trường phân công lịch trực hàng ngày tới các chi đoàn và có sự phối hợp cùng với tổ bảo vệ, tổ giám thị, Chi đoàn Giáo viên để thực hiện nhiệm vụ giờ cao điểm.
Bạn Nguyễn Như Huy, Bí thư Đoàn trường THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, cho biết: “Trong những năm học qua, công tác ATGT luôn được nhà trường chú trọng. Nhờ có sự tích cực của các bạn đoàn viên thanh niên khi làm nhiệm vụ và sự phối hợp hiệu quả mà cổng trường của chúng tôi đã không còn cảnh ùn ứ giờ cao điểm; phụ huynh cũng như học sinh ý thức hơn khi tham gia giao thông tại khu vực cổng trường. Các bạn đoàn viên thanh niên trong đội cảm thấy mình có trách nhiệm hơn trong công tác ATGT. Đến nay, có thể khẳng định rằng mô hình của chúng tôi đã thành công và mọi hoạt động đã đi vào nề nếp. Cuối năm học 2017-2018 vừa qua, Ban Chấp hành Thành đoàn Thủ Dầu Một đánh giá cao mô hình hoạt động của nhà trường và quyết định từ khóa hè 2018 sẽ áp dụng mô hình đối với các trường trung học trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài việc xây dựng việc làm cụ thể đối với mỗi học sinh trong mô hình “Cổng trường ATGT”, hàng năm Ban Chấp hành Đoàn trường còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an TP.Thủ Dầu Một, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức các chuyên đề về ATGT nhằm giáo dục học sinh cũng như giáo viên, nhân viên toàn trường về ý thức khi tham gia giao thông”.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về trật tự ATGT là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức cho học sinh vềcông tác bảo đảm trật tựATGT. Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽcông tác bảo đảm trật tựATGT, phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, Sở GD-ĐT đã có nhiều hoạt động cụ thể chuẩn bị cho năm học mới.
Ngoài việc cung cấp văn bản hướng dẫn cụ thể đến các trường về việc thực hiện tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, hàng năm Sở GD-ĐT đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT trong trường học xuyên suốt mỗi năm. Trên cơ sở đó, các trường học phải xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh từng trường.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Pháp chế Sở GD-ĐT, cho biết: “Các trường học sẽ phải đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào nội quy, quy chế của đơn vị, trường học và quy định là một trong những nội dung đánh giá thi đua của cán bộ công nhân viên, học sinh tại đơn vị mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tăng cường thời gian và đa dạng hóa hình thức giảng dạy pháp luật về ATGT ở tất cả các cấp học; thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, giáo dục ATGT trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: Sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp..., các hội thi về ATGT từ cấp cơ sở đến cấp toàn quốc.
Ngoài ra, 100% trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức họp cha mẹ học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết về việc không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh và nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; chấp hành nghiêm các quy định về an toàn đường sắt… Các trường học phải đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh và có hình thức giáo dục, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp tái phạm”.
TÂM TRANG