“Nhiều doanh nghiệp FDI hoan nghênh chủ trương rà soát an ninh quốc phòng”

Chủ nhật, ngày 08/09/2019

(BDO)

ảnh minh hoạ

Trái ngược với lo ngại dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ nhỏ giọt do tâm lý e ngại của giới đầu tư từ Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu rà soát an ninh quốc phòng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho hay: Nhiều doanh nghiệp chân chính hoang nghênh vì không gian phát triển mới, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.

FDI tồn tại như ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam

Tại toạ đàm "Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam" diễn ra cuối tuần qua, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành động lực quan trọng phát triển nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua con số tổng vốn FDI thu hút được, số vốn đầu tư FDI/dân số của Việt Nam vượt cả Trung Quốc, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực. Tuy nhiên, hiệu quả chưa tương xứng với số lượng đầu tư. 

Khu vực FDI chiếm trên 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, tỷ lệ xuất khẩu chiếm trên 70% trong tổng kim ngạch nhưng số công ty liên doanh chỉ chiếm 1/5 trong số doanh nghiệp FDI.

Theo khảo sát của VCCI, 14% doanh nghiệp nội địa nói rằng có quan hệ mua bán với doanh nghiệp FDI. Về phía FDI, chỉ có 28% mua hàng doanh nghiệp nội.

"Sự kết nối với doanh nghiệp trong nước không tốt tạo nên hiện tượng khu vực FDI đang tồn tại như một ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam không bén rễ sâu trong nền kinh tế. Do đó, khi có những biến động, dòng vốn này hoàn toàn sẽ có thể rút ra khỏi Việt Nam", ông Lộc nói.

Không chỉ công nghệ, nhiều dự án FDI công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đối thấp, có hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại. "Đây là hiện tượng phải có biện pháp chuyên nghiệp khắc phục".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, ngoài việc khuyến khích chuyển giao công nghệ, mua hàng doanh nghiệp trong nước thì Bộ Chính trị cũng chỉ ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nội địa để họ tham gia vào chuỗi giá trị của nhà đầu tư nước ngoài. Vai trò của VCCI lúc này cũng rất quan trọng. Chúng ta không dồn hết nghĩa vụ cho nhà đầu tư nước ngoài mà phải có biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.

Về việc này, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam thấp, trình độ nhân lực chưa cao nên khó kết nối. Vị này nói: "Vừa rồi, các doanh nghiệp FDI muốn tuyển lao động Việt Nam song họ thấy khó khăn, 85% doanh nghiệp FDI nói rằng không thể tuyển được kỹ sư trình độ cao, nhân lực cao". 

Do đó, việc nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam là nhu cầu cốt lõi và quan trọng, có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt. Thời gian tới, cần tập trung vào phần giá trị gia tăng ở Việt Nam, với doanh nghiệp công nghệ cao nhưng nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện về Việt Nam lắp ráp rồi xuất khẩu thì không có chuyện ưu đãi đầu tư.

Doanh nghiệp nước ngoài hoan nghênh rà soát an ninh quốc phòng

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Về chính sách thu hút đầu tư, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Trả lời câu hỏi việc rà soát đến vấn đề an ninh quốc phòng, nhấn mạnh đến chất lượng vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ liệu có làm nhà đầu tư nước ngoài dè dặt, e ngại đầu tư vào Việt Nam?, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định:  Việc đưa an ninh quốc gia để rà soát là rất bình thường, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh.

Còn ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần nắm rõ vấn đề an ninh quốc phòng trước hết là vấn đề tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, được quyết định bởi khu vực kinh tế trong nước vững mạnh. Đường lối của Đảng cũng khẳng định rằng kinh tế tư nhân, nhà nước, hợp tác xã là nền tảng, thì khu vực FDI là khu vực bổ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân.

"Tôi tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược của chúng ta, họ rất hoanh nghênh chủ trương này. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính hoan nghênh vì mở ra không gian phát triển mới, dành cho làn sóng đầu tư chất lượng cao hơn. Khi đó, họ vào Việt Nam làm ăn cũng thuận lợi hơn, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trình độ thấp", ông Lộc nói.

Nghị quyết 50 cũng đồng thời quy định những "ràng buộc" quan trọng trong việc thu hút và giải ngân FDI trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Thắng bày tỏ quan điểm: Nghị quyết 50 định vị thành phần kinh tế FDI bình đẳng và tuân thủ pháp luật Việt Nam như những thành phân kinh tế khác. 

Nghị quyết số 50 cũng đưa ra những mục tiêu khá cụ thể về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới như mục tiêu về vốn đăng ký, mục tiêu về vốn thực hiện…

Các mục tiêu này Bộ Chính trị đưa ra ở mức độ vừa phải, chúng ta đã tính toán đến nhằm để tránh khu vực vốn đầu tư nước ngoài lấn át khu vực kinh tế trong nước, chỉ đảm bảo để khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục thúc đẩy, lôi kéo phát triển thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước của chúng ta.

Theo Vneconomy