Nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài gặt “trái ngọt”
(BDO)
Một trong những "đứa con" của Viettel đã đạt được thành công tại thị trường nước ngoài
Điều này một lần nữa cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng chinh chiến ở thị trường nước ngoài.
Minh chứng cho điều này, không thể không kể đến những tên tuổi như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư hàng loạt dự án trồng cao su, cọ dầu ở Lào. Được biết, tập đoàn này cũng đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động, góp phần mang về doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng chỉ riêng tại thị trường Lào.
Đáng chú ý, mới tuần trước thôi, một trong những thương hiệu của “ông lớn” Viettel là Metfone đã công bố kết quả kinh doanh sau 10 năm hoạt động tại thị trường Campuchia. Được biết, doanh thu luỹ kế tính đến thời điểm hiện tại của Mefone đạt 2,245 tỷ USD, lợi nhuận luỹ kế đạt gần 300 triệu USD, trong đó thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao luôn duy trì ở mức trên 40%.
Ngoài ra, một thương hiệu khác của Viettel là Unitel cũng đang rất thành công tại thị trường Lào khi có tới hơn 3 triệu khách hàng, chiếm 54% thị phần viễn thông; doanh thu lũy kế đạt hơn 1,35 tỷ USD.
Trong đó, doanh thu luỹ kế đạt hơn 2 tỷ USD tại Campuchia và hơn 1,35 tỷ USD tại Lào.
So với quy mô của doanh nghiệp Việt Nam, những con số này là không hề nhỏ và một lần nữa cho thấy năng lực của doanh nghiệp Việt Nam khi “vươn ra” thị trường Quốc tế.
Điều này không chỉ góp phần giúp tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, mà các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế…
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài trong bối cảnh thị trường trong nước bão hòa và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.
Lợi thế là vậy, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, trong đó có thể kể đến rủi ro đầu tư.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Hoàng Phượng – đại diện PanNature, trong quá trình đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp Việt cũng gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, ngoài những rủi ro truyền thống như thời tiết, thiên tai, thị trường, doanh nghiệp Việt còn gặp nhiều rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn. Bên cạnh đó là những rủi ro xuất phát từ những khác biệt về pháp luật, phong tục, tập quán, văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư…
Vì vậy, để tăng cường được hoạt động đầu tư ra thị trường nước ngoài nói chung và các thị trường trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, theo tìm hiểu một số doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các doanh nghiệp.
Đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước sở tại trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định.
Hoặc như, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa Chính phủ - các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam - các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp…
Theo DDDN