Nhiều điểm mới trong Quy định bảo vệ môi trường
(BDO) Để hệ thống và cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), UBND tỉnh vừa ban hành Quy định BVMT tỉnh Bình Dương tại Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 16-6-2016 (thay thế Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND ngày 18-12-2012).
Phải khẳng định, Quy định BVMT tỉnh Bình Dương lần này có một số điểm mới. Thay vì trước đây, tình trạng các chủ cho thuê nhà xưởng hầu hết chưa chấp hành tốt quy định pháp luật về môi trường, thì nay tại điều 36 quy định chủ đầu tư nhà xưởng cho thuê phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng biệt và được cơ quan nhà nước kiểm tra, xác nhận trước khi cho thuê xưởng, thông qua đó, góp phần chấn chỉnh chủ đầu tư xây dựng xưởng cho thuê và các doanh nghiệp thuê nhà xưởng, bảo đảm yêu cầu BVMT chung.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc nước thải tự động đo đạc tiếng ồn tại một doanh nghiệp
Không chỉ thế, quy định còn cụ thể hóa khoảng cách an toàn về BVMT từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư, đô thị, nhà ở là 100m; đồng thời, quy định thời hạn chấm dứt sản xuất hoặc thực hiện di dời đối với các trường hợp chưa được cơ quan thẩm quyền cấp chủ trương, cấp phép đăng ký kinh doanh, xây dựng, môi trường là 12 tháng để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh phế liệu, phế thải. Quy định này góp phần chỉnh trang đô thị và phù hợp với lộ trình đưa Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Nhằm giảm thiểu và tận dụng chất thải phát sinh để phục vụ cho ngành nông nghiệp phù hợp với Luật BVMT, tại điều 53, quy định về tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp, trong đó quy định các cơ sở chăn nuôi, chế biến mủ cao su thiên nhiên có vườn cây công nghiệp phù hợp nằm liền kề, có hệ thống trang thiết bị, mạng lưới phân phối nước tưới đáp ứng yêu cầu kỹ thuật có thể tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây công nghiệp. Trên cơ sở quy định ban hành, hiện Sở TN&MT đang rà soát các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh để triển khai, hướng dẫn thực hiện phù hợp theo quy định.
Song song đó, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với các nguồn thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tại điều 71 quy định các nguồn thải có ngành nghề sản xuất ô nhiễm cao như xi mạ, dệt nhuộm, thuộc da có lưu lượng nước thải phát sinh từ 500m3/ngày đến dưới 1.000m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (trước đây quy định từ 1.000m3/ngày trở lên) và dự kiến nhóm đối tượng này có số lượng khoảng 30 doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Sở TN&MT đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-STNMT ngày 16-2-2016 quy định yêu cầu kỹ thuật, kết nối dữ liệu hệ thống quan trắc nước thải tự động và hoạt động kiểm tra, giám sát. Mục đích là nhằm cho các doanh nghiệp thuận tiện trong việc lựa chọn thiết bị tương thích kết nối với các thiết bị đã lắp đặt tại Trạm điều hành trung tâm của sở, tránh trường hợp đầu tư thiết bị không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu, dẫn đến không kết nối được, gây lãng phí.
Như vậy, với Quy định BVMT tỉnh Bình Dương, thì quan trắc nước thải tự động sẽ tăng từ 58 doanh nghiệp như hiện nay lên gần 90 doanh nghiệp. Thông qua đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát liên tục việc xả thải với tổng lưu lượng nước thải khoảng 180.000m3/ngày đêm, chiếm 80% lượng nước thải toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở TN&MT đang rà soát, thống kê các nguồn thải trên và yêu cầu phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục và truyền số liệu về Trạm trung tâm thuộc sở để kiểm tra, giám sát, quản lý theo quy định. Được như thế, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và ý thức của doanh nghiệp về BVMT được nâng cao, chất lượng nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn chiếm tỷ lệ rất cao, góp phần cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Song song với các lĩnh vực môi trường, trên Cổng thông tin quản lý môi trường trực tuyến của tỉnh cũng được Sở TN&MT xây dựng và đang vận hành. Tại điều 79 đã tiếp tục quy định cụ thể trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước thực hiện thống kê, cập nhật cơ sở dữ liệu về môi trường, như báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT; hồ sơ thanh kiểm tra định kỳ; thông tin tình hình phát sinh chất thải… lên Cổng thông tin quản lý môi trường trực tuyến của tỉnh, thông qua đó giúp các cơ quan nhà nước có thể cập nhật, chia sẻ, tra cứu thông tin nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, phù hợp với xu hướng cải cách thủ tục hành chính hiện nay.
P.V