Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở lại các hoạt động, dịch vụ

Thứ ba, ngày 21/09/2021

(BDO)

Dịch vụ ăn uống được mở lại tại nhiều địa phương sau thời gian tạm nghỉ khi áp dụng chỉ thị 16. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Long An thu hẹp phạm vi các đơn vị phong tỏa

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An chiều 20/9, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị, địa phương nới lỏng giãn cách, thu hẹp phạm vi các khu vực phong tỏa trên địa bàn; dần khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Long An lưu ý các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực phong tỏa; tăng cường lực lượng, rà soát kỹ lưỡng để sớm xử lý dứt điểm, tránh phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Chính quyền các xã phải tập trung nắm rõ địa bàn, lập bản đồ COVID để khoanh vùng phạm vi hẹp, phong tỏa lại các điểm đỏ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng xử lý các tình huống hậu giãn cách. Ủy ban Nhân dân các huyện nỗ lực hết mình để đến cuối tháng 9/2021 phải “đổi màu” theo hướng tích cực.

Ngay sau cuộc họp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành văn bản quy định về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, Long An quyết định nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội từ thực hiện Chỉ thị 16, xuống áp dụng theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 21/9.

Trung tâm hành chính công được mở cửa hoạt động trở lại. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ phục vụ mang về.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành trước đó.

Công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; tổ chức tín dụng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển... được hoạt động, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tuy nhiên, người dân không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Tiếp tục dừng tất cả các hoạt động thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 20 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, đám tang, đám cưới; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh và nội tỉnh, trừ xe đưa rước công nhân; dừng các hoạt động, dịch vụ như karaoke, vũ trường, quán bar, phòng tập thể hình...

Long An chỉ duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các vị trí liên tỉnh, liên huyện và giữa các xã vùng xanh với các xã thuộc các vùng có màu còn lại.

Các đối tượng ưu tiên như thành viên Ban Chỉ đạo và Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; lực lượng tham gia phòng, chống dịch; lực lượng cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì các trang thiết bị y tế, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế… được lưu thông qua các trạm, chốt.

Đối với người dân đáp ứng các điều kiện như đã tiêm vaccine, F0 hoàn thành chữa trị…, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An sẽ có quy định riêng về việc đi lại trên địa bàn.

Địa phương cuối cùng của Lâm Đồng dừng giãn cách xã hội

Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã ban hành văn bản 6700/UBND-VX3 về việc dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg tại xã Trạm Hành và Xuân Trường thành phố Đà Lạt, từ 0 giờ ngày 21/9/2021.

Như vậy, trên địa bàn thành phố Đà Lạt không còn địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội.

Trước đó, ngày 6/8, Bộ Y tế đã công bố 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch COVID-19 ở Công ty sợi Đà Lạt tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt).

Từ ổ dịch này đã lây nhiễm ra 154 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường. Ngay trong tối 6/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường của thành phố Đà Lạt.

Đến ngày 6/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành công văn chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với xã Trạm Hành và Xuân Trường sau một tháng 2 xã này áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các dịch vụ được mở lại phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Như vậy cho đến thời điểm này, hầu hết các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã trở lại bình thường.

Chỉ còn điểm cách ly là cụm dân cư thuộc Tổ dân phố 12, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai do có 1 trường hợp dương tính với với SARS-CoV-2 mới phát hiện vào ngày 17/9.

Đến ngày 20/9, Lâm Đồng có tổng số 274 ca COVID-19; trong đó, đang cách ly điều trị 39 ca, đã khỏi và ra viện 235 ca.

Huyện Lạc Dương là địa phương duy nhất trong tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 kể từ khi dịch xuất hiện tại Lâm Đồng vào đầu tháng 7/2021.

Lào Cai: Đảm bảo nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khi mở lại các hoạt động, dịch vụ 

Ngày 20/9, tỉnh Lào Cai đã cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại trên địa bàn nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đó, từ 5h ngày 20/9, các phòng tập gym, yoga, thể dục, thể thao, dạy múa,bể bơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như đo thân nhiệt người đến tập, chia các ca tập để hạn chế đông người.

Trong một thời điểm không được tập trung quá 20 người, khoảng cách ít nhất 1m giữa những người tập; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn thiết bị máy móc, dụng cụ hỗ trợ người tập.

Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại cửa ra vào và yêu cầu khách sát khuẩn tay ít nhất 2 lần (khi đến và trước khi về).

Đối với các dịch vụ nêu trên, chủ cơ sở phải tạo mã QR-code và yêu cầu khách đến bắt buộc phải khai báo y tế điện tử, check mã QR-code.

Nếu không thực hiện đúng các quy định, để xảy ra hậu quả liên quan đến dịch COVID-19, chủ cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nhờ triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống COVID-19, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh Lào Cai, địa phương đã qua 14 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện, Lào Cai còn 2 bệnh nhân đang được điều trị cách ly tại bệnh viện dã chiến số 1 và 96 bệnh nhân được điều trị khỏi đã ra viện.

Lào Cai đã triển khai tiêm chủng được 142.623 mũi vắc xin phòng COVID. Trong đó, số người tiêm mũi 1 là 81.717 người (chiếm 11,2% dân số); số người tiêm đủ 2 mũi: 60.906 người (chiếm 8,3% dân số).

Tiền Giang chỉ còn 1 huyện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg 

Ngày 20/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Công văn 5390/UBND-KGVX về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo.

Sau 5 ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ 00 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 20/9), căn cứ vào mức độ nguy cơ từng địa bàn ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn của thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo và khả năng quản lý, kiểm soát dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo từ 00 giờ ngày 21/9 cho đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo được giao nhiệm vụ quyết định việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp.

Huyện Châu Thành từ 00 giờ ngày 21/9 đến hết ngày 25/9 tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Châu Thành.

Sau ngày 25/9, căn cứ vào mức độ nguy cơ từng địa bàn ấp, xã, thị trấn và khả năng quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện Châu Thành mà Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ quyết định việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành được giao nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo, củng cố công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư và các giải pháp về y tế để chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; chỉ đạo tiếp tục đánh giá mức độ nguy cơ, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch để thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế trước ngày 30/9; báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Châu Thành sau ngày 25/9.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung Công văn số 5275/UBND-KGVX ngày 14/9/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ đến từng địa bàn tổ dân phố, tổ tự quản, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 30/9/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chính quyền các địa phương được yêu cầu cam kết quản lý chặt chẽ địa bàn, bảo vệ cho được “vùng xanh”, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để xảy ra ổ dịch mới hoặc để lây lan, bùng phát dịch do chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm.

Tám địa phương còn lại của tỉnh Tiền Giang gồm huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông, tiếp tục thực hiện theo nội dung Công văn số 5275/UBND-KGVX ngày 14/9/2021 (áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ)./.

Theo TTXVN