Nhiều đề tài khoa học đi vào cuộc sống
Trong năm 2014, công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt. Một trong những hoạt động quan trọng là Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nhiều đề tài ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp.
(BDO) Mô hình trồng rau bằng phương pháp đất sạch dinh dưỡng tại TP.Thủ Dầu Một được nhiều nông dân áp dụng thành công Ảnh: H.ÚT
Phát huy hiệu quả
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bàu Bàng là một trong những đề tài đã phát huy hiệu quả, giúp hàng chục gia đình trong huyện tăng thu nhập, thoát nghèo vươn lên khá giả. Bà Nguyễn Thị Bé ở xã Trừ Văn Thố cho biết, nhờ Sở KH&CN phổ biến kiến thức, tạo cầu nối phối hợp cùng một số doanh nghiệp chuyên cung cấp giống cây trồng, mở lớp giới thiệu mô hình trồng ổi, cách chăm sóc đến khi thu hoạch, bao tiêu sản phẩm nên người dân yên tâm phát triển giống cây trồng mới này. Giống ổi lê Đài Loan đã đem về cho gia đình bà Bé mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Theo bà Lê Thị Trúc Quỳnh, Phó trưởng phòng Ứng dụng KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN, trong 2 năm 2013 và 2014 sở đã xây dựng và triển khai đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài loan để giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh cao. Đến nay dự án đã phát huy hiệu quả rất tốt, hơn 20 hộ nông dân thực hiện dự án đã có cuộc sống ổn định.
Bên cạnh mô hình trồng ổi lê Đài Loan, trong năm qua Sở KH&CN đã triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rau bằng phương pháp đất sạch dinh dưỡng tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Dĩ An; mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất rau sạch an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên; dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh trên cây bưởi theo hướng VietGAP tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên... Đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình này đã được nông dân thực hiện đúng quy trình, sản phẩm làm ra được thương lái bao tiêu ổn định.
Bên cạnh các đề tài, mô hình ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014 toàn tỉnh đã hoàn thành nghiệm thu trên 60 lượt kết quả thực hiện đề tài, dự án trên lĩnh vực công nghiệp, môi trường... Trong đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ (NCKH-PTCN) đạt hiệu quả cao như: Điều tra hiện trạng, đề xuất các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm đẩy mạnh tuần hoàn và tái sử dụng nước tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh do Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường thực hiện; nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời công suất 40m3/mẻ cho sản xuất gỗ và mây tre lá do Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và môi trường Caxe thực hiện…
Tạo điều kiện để đề tài khoa học vào cuộc sống
Ông Thượng Văn Hiếu, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận các đề tài NCKH-PTCN đã phát huy hiệu quả kinh tế, ứng dụng tốt vào quản lý, sản xuất và đời sống. Có được kết quả này sở đã kiểm tra, đôn đốc, thực hiện đúng thời gian đề tài quy định; đồng thời kiên quyết xử lý những đề tài không hoàn thành, buộc hoàn trả ngân sách theo quy định. Quan điểm của sở là luôn thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về phát triển NCKH-PTCN; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KHCN và cho phép các đề tài, dự án hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu đề tài nào khả thi, thiếu kinh phí sở sẵn sàng hỗ trợ, đề xuất tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ để đề tài sớm hoàn thành.
Ông Thượng Văn Hiếu cũng cho biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng lĩnh vực công nghệ, công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Những đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm có tính chất mới, kiểu dáng mới, tiết kiệm năng lượng hoặc đề tài cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm nâng cao khả năng, hiệu quả phát triển bền vững của nền kinh tế được tỉnh ưu tiên nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí. Cụ thể là các đề tài chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ quan tâm các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao các biện pháp kỹ thuật mới, tiên tiến, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
HỒ VĂN