Nhiều cửa hàng xăng dầu nghỉ bán, ngành chức năng vào cuộc

Thứ ba, ngày 04/10/2022

(BDO) Nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nghỉ bán với lý do khó khăn như: "không mua được hàng", "chiết khấu thấp”, thậm chí phải trả tiền bù lỗ nhân viên, điện nước... đã gây khó khăn cho hoạt động lưu thông của người dân. 

Treo bảng “hết xăng”, “nghỉ bán”

Hơn tuần nay, rất nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn treo bảng hết xăng, nghỉ bán, gây khó khăn cho nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa. Anh Nguyễn Văn Thành cho biết đoạn đường từ nhà anh ở phường Tân Định (TX.Bến Cát) đến  Aeon Mall (TP.Thuận An) nếu muốn đổ xăng anh đã đi tới 3 cửa hàng nhưng đều trưng bảng hết xăng, nghỉ bán… Trên đường có nhiều người đi xe máy hết xăng song phải dắt bộ đi tìm cây xăng rất vất vả.



Nhiều cửa hàng xăng dầu treo bảng nghỉ bán

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, đại diện Sở Công thương xác nhận, có nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xin phép Sở nghỉ bán với rất nhiều lý do cá nhân. Trên thực tế, qua tìm hiểu thì hiện nay, việc kinh doanh ngày càng thua lỗ do hoa hồng rất thấp, chi phí hoạt động cửa hàng gia tăng càng gây áp lực cho quá trình duy trì hoạt động tại các cửa hàng. “Nhiều doanh nghiệp nói kinh doanh xăng dầu thua lỗ nên nghỉ bán nhưng khi họ gửi đơn lại viện lý do gia đình có người bệnh hoặc đang sửa chữa nhà nên xin dừng bán hoặc nghỉ bán.”, đại diện Sở Công thương cho hay. 

Tại địa bàn TX.Bến Cát, có rất nhiều cửa hàng treo bảng hết xăng, nghỉ bán và được trả lời là không có nguồn cung. Đặc biệt là các đại lý của Tổng công ty Xăng dầu Thanh Lễ. Tìm hiểu về việc có hay không việc đứt đoạn nguồn cung từ đầu mối xăng dầu của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, xác nhận mấy ngày nay phía Tổng công ty Xăng dầu Thanh Lễ đang hết hạn giấy phép nhập khẩu trực tiếp xăng dầu. Tuy nhiên, đến hôm nay thì đã có giấy nhập và phía Tổng công ty đã cung ứng xăng dầu trở lại cho các đại lý trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đình Tuấn, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Sông Bé, cho biết những ngày qua, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thiếu hụt nên áp lực đổ dồn về phía công ty. Để đảm bảo cho cửa hàng xăng dầu hoạt động xuyên suốt, góp phần ổn định thị trường thì đòi hỏi tất cả các đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn phải chung tay trong việc cung ứng nguồn cho hệ thống đại lý nhượng quyền thương mại của mình.

Trả lời về việc một số cây xăng để bảng hiệu Petrolimex trên đoạn đường từ An Sơn ra quốc lộ 13 nghỉ bán, ông Tuấn cho biết đó là đại lý của Tổng Công ty song không phải là đại lý của công ty. Được biết 2 cửa hàng xăng dầu này đang xin nghỉ để… sửa chữa. Theo Sở Công thương, hiện có rất nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn xin sửa chữa, bảo trì. 

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Ông Nguyễn Thanh Toàn, cho biết với những bất ổn từ tình hình chung của thế giới kéo dài, tình hình kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các đại lý, do chiết khấu quá thấp nên các cửa hàng không có lãi, thậm chí lỗ nên có việc chậm trễ trong hoạt động nhập, bán, thậm chí nhiều cửa hàng đóng cửa và xin phép vì lý do cá nhân, sửa chữa… 


Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng của các đại lý xăng dầu.

Tuy nhiên, nếu tình hình nguồn không được kiểm soát tốt, tiếp tục cung ứng nhỏ giọt hoặc không cung ứng thì nguy cơ đóng cửa hàng xăng dầu trên diện rộng là có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Chính vì thế, ngành Công thương đang nỗ lực phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng xăng dầu, làm việc với các doanh nghiệp đầu mối, nhằm bình ổn cho thị trường xăng dầu trên địa bàn. 

Trao đổi với chúng tôi, nhiều đại lý cho biết để đảm bảo kinh doanh hòa vốn, mức chiết khấu phải từ 1.000 - 1.200 đồng/lít, bởi có rất nhiều chi phí như vận chuyển, thuê mặt bằng, nhân công, điện nước... Trong khi đó, mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối thời gian qua chỉ từ 100 - 150 đồng/lít, thậm chí có lúc còn 80 đồng/lít thì quá khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều đại lý sẽ rất khó khăn, thậm chí phá sản.

Theo ông Trịnh Đình Tuấn, mức chiết khấu hiện nay rất thấp, từ 100-200 đồng/lít do phía đơn vị đầu mối cũng khó khăn không kém. Đó cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị phân phối không mặn mà với việc mua-bán. Tuy nhiên, khó khăn là tình hình chung. Với trách nhiệm kinh doanh của mình, ông Trịnh Đình Tuấn mong muốn các đại lý cố gắng giữ vững kinh doanh, vượt qua khó khăn giai đoạn này. 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, lực lượng quản lý thị trường các địa phương báo cáo phần lớn các cửa hàng đều nêu những khó khăn trong quá trình hoạt động. Một số cửa hàng cho biết do thua lỗ trong thời gian dài nên không còn kinh phí để nhập xăng dầu buộc phải xin nghỉ bán. Lực lượng quản lý thị trường cũng vào tận kho xăng dầu để xác minh và đúng là không còn xăng dầu tại kho. Chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn trong kinh doanh và vận động cửa hàng đại lý nhập, bán hàng trở lại, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho người dân. Với các trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.  

Tiểu My