Nhiều cơ hội để doanh nghiệp kỳ vọng

Thứ bảy, ngày 07/01/2023

(BDO) Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vừa bước sang năm 2023 với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen cả lo lắng và kỳ vọng. Lo lắng là vì chưa kịp gượng dậy sau đại dịch Covid-19, cộng đồng DN lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm của kinh tế năm 2022 đã có những gam màu sáng khi tốc độ tăng trưởng kịp lấy lại đà phục hồi vào những tháng cuối năm. Điều này đã đem lại sự kỳ vọng cho cộng đồng DN về một năm mới thuận lợi hơn.

Năm 2023 được nhận định tiếp tục sẽ là một năm nhiều khó khăn với cộng đồng DN. Nhận định này càng được củng cố khi Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 với mức khiêm tốn là 6,5%, giảm gần 1,5% so với năm 2022. Dẫu vậy, theo các chuyên gia kinh tế, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, nhận diện khó khăn hay lợi thế đều phải đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, về khách quan kinh tế thế giới năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đã được kiểm soát và đang ở giai đoạn ổn định. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia kiên định với lập trường “Zero Covid” cũng đang dần mở cửa để tiến tới mở cửa hoàn toàn với bên ngoài. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc trở lại của kinh tế thế giới. Điều đáng lo ngại với kinh tế thế giới là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đến nay vẫn chưa có hồi kết. Một khi cuộc chiến giữa hai quốc gia này chưa đi vào hồi kết thì kinh tế thế giới vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, dựa trên những chỉ báo đã được nhìn thấy, kinh tế thế giới năm 2023 không quá ảm đạm như năm vừa qua.

Về chủ quan, năm 2022 tuy có nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kỷ lục với 8,02%, vượt mục tiêu đề ra là từ 6-6,5%. Ngoại trừ các ngành dệt may, da giày, gỗ và điện tử có khó khăn do đơn hàng giảm, các lĩnh vực còn lại đều giữ ổn định và có mức tăng trưởng tốt. Về tổng thể, tuy có những yếu tố bất lợi, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều triển vọng lớn. Xuất khẩu nông sản và thủy sản chắc chắn sẽ giữ vững đà tăng trưởng khi nhiều rào cản được gỡ bỏ từ việc tham gia các hiệp định FTA. Các dự án FDI đã thu hút nếu được triển khai tốt trong 2023 sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế. Tương tự, thị trường bất động sản sẽ ấm dần nhờ một số dự án quan trọng được triển khai...

Một lợi thế khá nổi bật đối với cộng đồng DN trong nước là vẫn còn đó thị trường nội địa nhiều tiềm năng với khoảng 100 triệu dân. Nếu biết tận dụng và khai thác tốt, thị trường tiềm năng này sẽ là cứu cánh của DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Hiện tại, tiềm lực của thị trường nội địa đã khác so với trước đây nhờ cộng đồng DN trong nước ngày càng lớn mạnh, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn. Đây chính là nền tảng để DN phát triển bền vững nếu biết khai thác.

Khó khăn vẫn còn, nhưng với những lợi thế đã được phân tích, sự kỳ vọng của cộng đồng DN vào năm 2023 nhiều thuận lợi là hoàn toàn có cơ sở. Sự kỳ vọng này sẽ là động lực để DN tiếp tục nỗ lực, góp phần đóng góp vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 LÊ QUANG