Nhiều chính sách cho doanh nghiệp khoa học - công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ hai, ngày 06/05/2019
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP thay cho Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KHCN). Nghị định 13/2019/NĐ-CP giúp DN có nhiều thuận lợi hơn để đầu tư nghiên cứu công nghệ, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST). Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, về những điểm mới của nghị định này, cũng như các chính sách hỗ trợ DN của tỉnh trong việc đầu tư nghiên cứu KHCN và KNĐMST.

 - Thưa ông, so với Nghị định 80/2007/NĐ-CP, Nghị định 13/2019/NĐ-CP có những điểm gì mới?

- So với Nghị định 80/2007/ NĐ-CP thì Nghị định 13/2019/ NĐ-CP có nhiều điểm mới, trong đó có 4 điểm quan trọng. Thứ nhất, nghị định này quy định cụ thể và triển khai áp dụng ngay mà không cần có thông tư hướng dẫn. Thứ hai, đối với điều kiện quy định doanh thu của DN để thành lập DN KHCN, DN mới được thành lập dưới 5 năm không cần thực hiện quy định doanh thu DN; điểm này tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, DN cũng cần chú ý, điều kiện này chỉ có hiệu lực đối với việc thành lập DN KHCN, còn đối với yêu cầu hỗ trợ KHCN vẫn phải bảo đảm doanh thu 30% sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu KHCN.

Thứ ba, thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, cụ thể miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Cuối cùng, đối với các dự án sản xuất trên nền cơ sở sản xuất, công nghệ cũ nhưng dựa trên kết quả nghiên cứu KHCN, công nghệ mới được áp dụng cho sản xuất, kinh doanh thì vẫn được coi là dự án đầu tư mới trong lĩnh vực KHCN.

- Nghị định này tạo điều kiện gì cho DN về đầu tư, phát triển công nghệ, thưa ông?

- Có thể nói, Nghị định 13/2019/NĐ-CP đã giải quyết cơ bản những bất cập trong thời gian qua khi thực hiện Nghị định 80, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có tiềm năng nghiên cứu khoa học để trở thành DN KHCN cũng như khuyến khích hoạt động KNĐMST.

 

Với Nghị định 13/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi hơn để nghiên cứu, đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong ảnh: Lò nung gốm bằng gas áp dụng công nghệ mới của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (TX.Bến Cát). Ảnh: HOÀNG PHẠM

- Xin ông cho biết, ngoài các chính sách của Trung ương, Chính phủ, trong thời gian qua tỉnh đã có những chính sách gì dành cho DN phát triển KHCN, DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ?

- Riêng trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển KHCN, tỉnh Bình Dương có Quỹ đầu tư phát triển KHCN với vốn điều lệ là 115 tỷ đồng. Quỹ cho vay các dự án đổi mới công nghệ của các DN cũng như các đơn vị, cá nhân có nhu cầu vốn để đầu tư nghiên cứu KHCN. Ngoài ra, Sở KHCN được UBND tỉnh giao tham mưu để ban hành chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và các DN KNĐMST. Nội dung của chính sách này đều có những vấn đề liên quan đến đổi mới KHCN và sẽ được trình HĐND tỉnh trong kỳ họp thường kỳ giữa năm 2019 tới đây.

- Những nội dung cơ bản của dự thảo chính sách dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh trong thời gian tới gồm những vấn đề gì, thưa ông?

- Những nội dung cơ bản của dự thảo chính sách, trước hết là cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ nói chung, các chính sách hỗ trợ DN KNĐMST đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ theo thẩm quyền được giao cho chính quyền địa phương triển khai.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu chính sách đặc thù của tỉnh Bình Dương là hỗ trợ cho các nhóm, cá nhân khởi nghiệp, hỗ trợ các tổ chức trung gian phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp như vườn ươm, khu làm việc chung… để hình thành một hệ sinh thái, một môi trường khởi nghiệp ở Bình Dương ngày càng tốt hơn.

- Xin ông cho biết, đối với việc triển khai Đề án thành phố thông minh Bình Dương, các chương trình của Sở KHCN sẽ tạo điều kiện gì cho hoạt động khởi nghiệp?

- Theo kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mà UBND tỉnh đã phê duyệt, cũng như các nội dung của Đề án thành phố thông minh Bình Dương, trách nhiệm của Sở KHCN là xây dựng cơ sơ vật chất và hình thành nền tảng pháp lý của tỉnh trong hoạt động khởi nghiệp. Riêng trong năm 2019, Sở KHCN sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh (dự kiến vào quý III-2019). Đây là nơi hoạt động đào tạo, tư vấn, kết nối khởi nghiệp với các nhà tư vấn, các quỹ đầu tư… cho hoạt động khởi nghiệp.

Cùng với đó, sở tiếp tục hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh xây dựng fablab (phòng thí nghiệm chế tạo) để triển khai các ý tưởng, cụ thể hoá các ý tưởng của cộng đồng trong việc xây dựng thành phố thông minh.

- Xin cảm ơn ông!

HOÀNG PHẠM (thực hiện)