Nhiều chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung
(BDO)
Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015, từ ngày 26-8, các trường bắt đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Hiện vẫn còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển, thí sinh (TS) có thể cân nhắc lựa chọn trường và ngành nghề phù hợp.
Thí sinh, phụ huynh đến tìm hiểu và nộp hồ sơ xét tuyển vào trường ĐH Bình Dương
Còn nhiều chỉ tiêu
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trường ĐH, 1 trường CĐ với nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau. Dù vậy các TS tỉnh nhà vẫn có xu hướng đổ về các trường ĐH lớn ở TP.Hồ Chí Minh, do đó tình hình tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm 2015 vừa qua không “ồn ào” như các trường trong khu vực. Chỉ riêng trường ĐH Thủ Dầu Một, tình hình tuyển sinh tấp nập hơn. Qua đợt 1 trường đã thu nhận khoảng 4.500 hồ sơ. Căn cứ vào chỉ tiêu, điểm chuẩn xét tuyển nhà trường đã nhận gần đủ chỉ tiêu. Trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, trường chỉ nhận 260 chỉ tiêu ở 4 ngành: kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị, khoa học môi trường, hệ thống thông tin. Qua thăm dò các trường ĐH khác, nhiều trường vẫn còn chỉ tiêu và tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Một số trường thực hiện xét tuyển bằng 2 phương thức: điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển học bạ, nên cơ hội vào ĐH của TS được rộng mở hơn.
Với những TS có điểm thi bằng với ngưỡng điểm xét tuyển ĐH, CĐ theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), sau khi không có khả năng vào các trường ở khu vực lân cận, các em cũng tính toán lại và lựa chọn trường ĐH địa phương. Do đó, trong những ngày đầu thực hiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhiều TS đã đến các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh để nộp hồ sơ xét tuyển.
Rút kinh nghiệm ở đợt xét tuyển đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh các quy định trong việc nộp và rút hồ sơ. Theo đó, TS chỉ cần in mẫu phiếu đăng ký xét tuyển trên mạng, điền đầy đủ thông tin và số mã vạch được ghi trên giấy chứng nhận kết quả thi và nộp theo một trong 3 phương thức sau: nộp tại Sở GD-ĐT hoặc trường THPT do Sở GD-ĐT quy định; gửi qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp tại trường ĐH, CĐ mà các em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, do tâm lý chung, TS trực tiếp đến trường ĐH, CĐ nộp hồ sơ và cầm biên nhận cho chắc ăn, mà không nộp qua hệ thống của sở.
Cân nhắc chọn nguyện vọng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả những TS đã trúng tuyển trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Và để tránh sự xáo trộn lớn cho các trường, trong các đợt xét tuyển bổ sung, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường, TS không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Do đó, TS cần cân nhắc kỹ trong việc chọn trường, chọn nguyện vọng. Nhìn lại đợt xét tuyển vừa qua, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có những TS mơ hồ trong việc chọn ngành. Có em không xác định được mình thích ngành gì để đăng ký theo thứ tự ưu tiên, mà gần như TS chỉ chú tâm vào việc có đậu ĐH hay không. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH thuộc Sở GD-ĐT đã có lời khuyên, TS nên chọn ngành theo năng lực, sở trường, không chọn theo bạn bè hoặc theo thị hiếu. Chọn không đúng ngành sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em sau này, có em có thể bỏ học giữa chừng vì không yêu thích ngành học. Trong việc chọn trường cũng vậy, các em nên lựa chọn trường phù hợp với sức học, điều kiện kinh tế gia đình. Chọn trường vừa với sức học thì cơ hội vào ĐH sẽ cao hơn. Cùng một ngành học, nhưng điểm chuẩn ở mỗi trường khác nhau, vì thế TS cần thận trọng trong việc chọn trường khi nộp hồ sơ xét tuyển.
H.THÁI