Nhiều cây xăng nghỉ bán = sắp tăng giá

Thứ tư, ngày 15/08/2012

Rõ ràng cái công thức khó chấp nhận trên đang dần hiện hữu khi chỉ trong 2 lần tăng giá xăng gần đây nhất đã xảy ra hiện tượng như vậy. Đúng như sự dự đoán và lo lắng của mọi người, mới đây xăng dầu lại có đợt tăng giá mới. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ 3 liên tiếp trong thời gian qua kể từ thời điểm doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công Thương trao quyền chủ động. Theo một số chuyên gia kinh tế, việc đề xuất tăng giá xăng dầu của các DN đầu mối “là hoàn toàn chính đáng và bất khả kháng” vì giá thế giới đã tăng khá mạnh trong 10 ngày qua. Bên cạnh đó, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động đã gây áp lực phải tăng nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần xem xét mức tăng sao cho hợp lý. Hiện các DN sản xuất, kinh doanh phải chịu quá nhiều áp lực về vốn, về tiêu thụ sản phẩm..., nay giá xăng dầu lại tăng, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN. Trước đó không lâu, các mặt hàng thiết yếu như điện và gas cũng đồng loạt tăng giá (điện tăng 5% và bình gas 12kg tăng 52.000 đồng), điều này được các chuyên gia kinh tế đánh giá là bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh sức mua người dân suy kiệt, hàng tồn kho cao. Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán, việc tăng giá 3 mặt hàng thiết yếu sẽ còn kéo theo sự tăng giá dây chuyền của các mặt hàng khác trong thời gian tới, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.

Điều đáng quan tâm trong thời gian gần đây, cứ mỗi lần xăng, dầu rục rịch tăng giá là các đại lý, các điểm kinh doanh xăng dầu... hầu như đều biết trước và tìm nhiều lý do để ghim hàng chờ tăng giá để thu thêm lợi nhuận làm người dân phải thiệt thòi mọi điều, cụ thể là đợt tăng giá mới đây, mặc dù quyết định chính thức về việc tăng giá xăng dầu từ 17 giờ ngày 13-8, nhưng trước đó 1 ngày, tại nhiều điểm kinh doanh xăng dầu trong và ngoài tỉnh đã có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Cũng có nhiều nguyên nhân giải thích từ sự việc trên. Có thể lỗi do cúp điện nhưng cũng có thể lỗi do nguồn cung nhỏ giọt nên nguồn hàng bán ra nhanh chóng cạn phải nghỉ bán. Vấn đề trên thực hư thế nào chỉ có chủ cây xăng và ngành quản lý thị trường biết (thông qua kiểm tra). Điều thật lạ là sao xăng dầu tăng, các cây xăng đều biết trước cả 1 - 2 ngày và đã ngang nhiên đồng loạt nghỉ bán công khai như vậy?

Qua đây cho thấy, những bất cập trong quản lý điều hành giá xăng dầu đang dần lộ rõ. Đó là việc độc quyền trong kinh doanh xăng dầu đã và đang có những tác động trong việc định giá xăng dầu dẫn đến những hệ quả rất bất lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể nhất là việc giá dầu thế giới tăng thì giá trong nước tăng theo ngay tức thì trong khi ngược lại giá xăng thế giới giảm thì giá trong nước lại ì ạch giảm rất chậm. Việc quy định giá bình quân tăng, giảm trong 1 tháng để quyết định tăng giảm giá xăng dầu theo quy định rõ ràng đã khó khả thi, mà việc tăng giá ngay trong vòng gần 1 tháng qua đã tăng 3 lần là một minh chứng cụ thể. Những vấn đề trên rất cần được xem xét và có hướng chấn chỉnh kịp thời, nhất là việc xem lại cơ chế vận hành Nghị định 84 để kịp thời sửa đổi, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần xem lại cơ chế quản lý giá xăng dầu vì theo quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh sau 3 ngày DN gửi phương án tăng giá lên Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cơ chế điều hành giá xăng dầu không thể để cho DN tự định đoạt và Nhà nước cần có giải pháp khác để chia sẻ với người dân và DN, thay vì chỉ liên tục tăng giá bán xăng dầu trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm mạnh.

Mặt khác, các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra quản lý trong việc găm hàng chờ tăng giá. Đặc biệt, cần có biện pháp kiên quyết xử lý, kể cả việc có thể rút giấy phép vĩnh viễn đối với những cây xăng găm hàng chờ tăng giá để hưởng lợi.

Lợi nhuận trong kinh doanh là cần thiết nhưng xem xét đến lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng là điều cần quan tâm đối với những DN làm ăn chân chính.

DÂN THƯỜNG