Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ
(BDO) Theo đó, thông tư quy định cụ thể quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát, XLVPHC như:
Thứ nhất, được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật GTĐB, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia GTĐB, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về GTĐB, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn GTĐB. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Thứ tư, được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Thứ năm, được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thứ sáu, thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, so với qui định hiện hành tại Thông tư 01/2016/TT-BCA, CSGT được dừng phương tiện trong 5 trường hợp thì theo qui định của Thông tư mới, CSGT chỉ dừng phương tiện trong 4 trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông; có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về GTĐB, CSGT phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về GTĐB và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5-8-2020 và thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4-1-2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
SỞ TƯ PHÁP