Nhất trí với nội dung chỉnh lý dự án Luật tạm giữ, tạm giam
(BDO)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục phiên họp thứ 42, chiều 14-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về giải trình tiếp thu, chỉnh lý hai dự án: Luật tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Cơ bản nhất trí các nội dung chỉnh lý dự án Luật tạm giữ, tạm giam
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí cao với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tạm giữ, tạm giam của Ủy ban tư pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về vấn đề 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an và trích xuất bị can.
Cụ thể, về 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý là chưa phù hợp và cần thống nhất vào một đầu mới quản lý. Do đó, đề nghị chuyển 4 trại giam này từ cơ quan điều tra Bộ Công an sang Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) quản lý.
Vấn đề trên, cơ quan soạn thảo dự án Luật (Bộ Công an) đề nghị vẫn giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an cho Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát trực tiếp quản lý để thuận lợi cho công tác điều tra.
Đối với việc thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn đề nghị không nên quy định Tòa án phải có mặt khi trích xuất; quy định như vậy sẽ “mất” rất nhiều người và tốn thời gian. Do đó, đề nghị áp dụng theo luật hiện hành là tòa án chỉ cần gửi lệnh trích xuất đến trại giam.
Trái với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng quy định như dự thảo Luật là cần thiết, thể hiện trách nhiệm đối với tính mạng, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Đồng ý thành lập Cục Cảnh sát điều tra về phòng chống buôn lậu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Góp ý về một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; đồng thời nhất trí bổ sung cơ quan kiểm ngư tham gia tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thảo luận về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hợp nhất Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, với tên gọi là: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ; đồng ý thành lập Cục Cảnh sát điều tra về phòng chống buôn lậu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý giữ nguyên tên gọi là Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Luật. Nghĩa là công an phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Mặt khác, công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; dẫn giải ngay người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Luật là: “Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại các Chương XXI, Chương XXII của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.”
Cũng liên quan đến dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể vào một số vấn đề khác như cán bộ điều tra; điều tra viên...
Theo chương trình, sáng mai (15-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật về hội; dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân./.
Theo TTXVN