Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh: Soi sáng lý tưởng cho thế hệ trẻ

Thứ sáu, ngày 25/04/2014

Sau gần 50 năm chôn vùi dưới lòng đất, cuốn nhật ký mang tên Thế hệ Hồ Chí Minh của nhà giáo - nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên (ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được tìm thấy trên mảnh đất Bình Dương. Từ một kỷ vật những tưởng sẽ bị rơi vào quên lãng, Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc thắp lửa, soi đường cho thế hệ trẻ hôm nay. Chính từ những trang nhật ký mộc mạc nhưng đầy chất “thép” đã trở thành lý tưởng mang tầm vóc, sức nặng và sự lan tỏa cho nhiều lớp đối tượng độc giả không chỉ ở Bình Dương, các địa phương trong cả nước mà còn lan xa ra ngoài biên giới…  Tạo sức lan tỏa

Cuối tháng 9-2012, một cựu chiến binh ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã phát hiện gói kỷ vật trong lòng đất của một nữ liệt sĩ gồm quyển nhật ký mang tên Thế hệ Hồ Chí Minh và 6 tấm ảnh rồi trao tận tay cho Báo Bình Dương. Mong mỏi tìm ra tác giả cuốn nhật ký, sau quá trình tìm kiếm và xác minh, nhân thân của nữ liệt sĩ ấy đã được xác định. Đó là nhà giáo- nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên, sinh năm 1945, quê ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

   Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh thắp lửa lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: T.LÊ

Ông Nguyễn Xuân Đàm (76 tuổi, ngụ Phú Yên), nguyên là giáo viên khóa 2, trường Giáo dục Tháng Tám (từ tháng 5-1964 đến tháng 2-1965) tại Trung ương Cục miền Nam (nơi chị Thiên theo học) cho rằng, việc tìm thấy cuốn nhật ký là một cơ duyên: “Sống là Thiên/Thác em cũng là Thiên”. Chỉ bằng 35 trang nhật ký viết trên giấy kẻ ô ly khổ 8x12cm và 6 bức ảnh ố màu thời gian với lời lẽ bình dị nhưng lý tưởng cách mạng của chị luôn như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan…

Cách đây một năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn phối hợp cùng Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh”, phát động cuộc thi viết cảm nhận về quyển Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh. Sức lan tỏa qua 6 tháng phát động cuộc thi (từ ngày 27-4 đến 30-10-2013) đã đem đến nhiều yếu tố bất ngờ. Ban tổ chức đã nhận 20.835 bài dự thi của đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã không khỏi xúc động bởi những bài viết thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau gửi về như học sinh, những người lớn tuổi đầy tâm huyết…

Bạn Lò Thị Minh Thy, kiều bào sinh sống và làm việc tại Australia, đã chia sẻ cảm nhận: “Hôm nay, trước những dòng Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh của liệt sĩ Lê Thị Thiên, tôi nghe như tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang thúc giục mình phải trở về. Vâng! Nhất định tôi sẽ trở về, để xứng đáng niềm tin mà cha anh đã trao gửi, để thổi bùng ngọn lửa yêu nước, để soi sáng con đường cho những thế hệ đàn em nối tiếp tiến lên…”.

 Nghĩ về tổ quốc nhiều hơn

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết, Ban tổ chức đánh giá cao về chất lượng bài viết của các thí sinh ở cả nội dung và hình thức. Điều đó thể hiện ở sự đầu tư kỹ lưỡng, ở những chuyển biến trong suy nghĩ, cảm nhận của từng tác giả khi thể hiện trong bài viết. Mỗi bài viết đều thể hiện tấm lòng tri ân, tình cảm, thái độ, trách nhiệm của các thí sinh. Thông qua cuộc thi đã góp phần nâng cao được tinh thần giáo dục tư tưởng sâu rộng đến với thanh niên.

 Tháng 8-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 5791/ BGDĐT-CTHSSV về vic hướng dẫn công tác học sinh - sinh viên, hoạt động ngoại khóa và y tế trường học 2013-2014 yêu cầu: “Cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh cho đến thời điểm này là cuốn nhật ký duy nhất của ngành giáo dục trong thời chống Mỹ cứu nước. Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã rất công phu sưu tầm, biên tập và xuất bản cuốn nhật ký này. Do vậy, để giúp các trường, các cơ sở giáo dục có được cuốn nhật ký, cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP.HCM sẽ phối hợp cùng Nhà Xuất bản Giáo dục, Báo Bình Dương xuất bản cuốn nhật ký này”.

Chị Trang cho biết mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức buổi triển lãm cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM). Cuộc triển lãm đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng. Bên cạnh đó, ngoài 5.000 cuốn sách đã tặng cho các Tỉnh, Thành đoàn trong cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tham mưu cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện một cuốn phim tài liệu về những nhân vật anh hùng sống và chiến đấu trên đất Bình Dương gồm: Hồ Hảo Hớn, Đoàn Thị Liên và Lê Thị Thiên. Tỉnh đoàn cũng đã kết nghĩa với Tỉnh đoàn Tiền Giang để làm công tác xã hội, tổ chức các chương trình về nguồn tới gia đình chị Thiên. Khi cuộc thi tạm khép lại, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phát động các hội thi, cuộc thi khác…

Cùng với những cái tên như Nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của anh Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, cuốn Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh của người con gái Nam bộ Lê Thị Thiên được “trình làng” là tấm gương sáng để nhiều bạn trẻ có cơ hội soi rọi lại mình, nhìn nhận lại một lý tưởng sống biết cống hiến: “Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc”.    

 THANH LÊ