Nhật Bản tuyên bố tham gia đàm phán TPP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 15-3 tuyên bố nước này sẽ tham gia Hiệp định mậu dịch tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong khi cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ một số ngành công nghiệp từ các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ.
Tuyên bố chính thức của Thủ tướng Nhật Bản xuất hiện bất chấp lời phản đối mạnh mẽ từ phía hội nông dân và một số nghị sĩ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe vốn phụ thuộc nặng nề vào lá phiếu của nông dân.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Quyết định tham gia TPP này có thể ảnh hưởng đến uy tín của ông Abe trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào mùa Hè năm nay, gây chia rẽ nội bộ của LDP sau khi đảng này trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12-2012 vừa qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Abe khẳng định việc tham gia đàm phán “không chỉ vì lợi ích quốc gia mà còn vì sự thịnh vượng của thế giới.” Thủ tướng Nhật tin tưởng việc tham gia đàm phán là “chính sách có tầm nhìn xa trông rộng” thực sự cần thiết cho Nhật Bản nhằm định hình tương lai đất nước trong 100 năm tới.
Thủ tướng Abe cho biết bất cứ sự trì hoãn nào đều có thể khiến Nhật Bản đứng ngoài cuộc chơi quan trọng này.
Ông nói: “Một khi tham gia, chúng ta sẽ có thể thiết lập quy tắc như là một thành viên quan trọng của cuộc chơi”.
Vòng đàm phán do Mỹ khởi xướng này hiện đã thu hút sự tham gia của Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, hiện là những quốc gia chiếm khoảng 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu.
Các quan chức Nhật Bản cho biết nước này sẽ sớm nhận được tư cách tham gia và hy vọng sẽ chính thức nhập cuộc vào tháng 7-2013 tới.
Trong khi Nhật Bản đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bằng việc hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe cũng tìm cách giảm bớt các tác động bất lợi của việc tham gia đàm phán TPP mà trong đó Nhật Bản cũng sẽ bị thúc giục phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài.
Các nhà sản xuất của Nhật Bản như các hãng xe hơi và công nghệ cao hoan nghênh quyết định trên của Thủ tướng, đồng thời kỳ vọng về sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu sang các đối tác thành viên đang phát triển của TPP.
Tuy nhiên, nông dân Nhật Bản, những đối tượng ủng hộ truyền thống của LDP, lại phản đối kịch liệt việc Nhật Bản tham gia và cho biết ngành nông nghiệp có thể bị hủy diệt bởi “cơn lũ” hàng nhập khẩu giá rẻ thâm nhập thị trường một khi thương mại được tự do hóa. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản ước tính hơn 40% sản phẩm nông nghiệp, tương đương 3.000 tỷ yen (31 tỷ USD) nông sản, của nước này sẽ “bốc hơi” nếu Nhật Bản dỡ bỏ toàn bộ thuế quan theo TPP do người tiêu dùng trong nước có thể sẽ đổ xô mua các mặt hàng giá rẻ của nước ngoài.
Tuy nhiên, tác động của TPP về tổng thể đối với nền kinh tế Nhật Bản là mang tính tích cực khi tính toán cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể tăng khoảng 0,7%, tương đương 3.200 tỷ yen nhờ lượng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp lấn át tác động bất lợi đối với khu vực nông nghiệp.
Về những quan ngại của người nông dân, Thủ tướng Abe cho biết TPP là “một cơ hội hơn là thách thức” đồng thời ông cam kết Chính phủ sẽ đưa ra những giải pháp giúp ngành nông nghiệp mang tính cạnh tranh hơn và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Nhật Bản cũng cam kết chính phủ sẽ tìm cách nhận được các miễn trừ đối với một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng trước nguyên tắc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan thương mại giữa các nước thành viên.
Hồi tháng 2-3013, Thủ tướng Nhật Bản công du Mỹ để đối thoại với Tổng thống Barack Obama, theo đó hai bên khẳng định Nhật Bản không bị buộc phải chấp nhận nguyên tắc phi thuế quan trước khi tham gia đàm phán và có thể sẽ nhận được những quyền miễn trừ trong đàm phán.
Từ chuyến đi đó, Thủ tướng Abe đã tăng tốc chiến dịch thuyết phục công chúng đối với việc tham gia vòng đàm phán thương mại này, trực tiếp thông báo kết quả của cuộc gặp với Tổng thống Mỹ cho các vị lãnh đạo của nhóm vận động hành lang về nông nghiệp và khu vực dịch vụ y tế - hiện cũng nảy sinh quan ngại rằng việc tham gia có thể gây nguy hại cho chế độ bảo hiểm y tế của Nhật Bản.
Ngày 13-3, LDP, trong đó các nghị sĩ vẫn còn nhiều chia rẽ xung quanh ưu và nhược điểm của TPP, hoàn toàn nhất trí với nghị quyết ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, sự nhất trí này chỉ đạt được với điều kiện Chính phủ phải đảm bảo “những lợi ích sống còn” của quốc gia, liên quan đến những mặt hàng nông sản như gạo, lúa mỳ, đường, thịt bò và các sản phẩm sữa.
Theo TTXVN