Nhật Bản tiêu nhiều tiền nhất cho ứng dụng di động

Thứ sáu, ngày 13/12/2013

Nhật Bản qua mặt Mỹ để trở thành "mỏ vàng" mới cho giới lập trình ứng dụng di động toàn thế giới.

 

Sức tiêu thụ các sản phẩm và nội dung kỹ thuật số, đặc biệt là mảng ứng dụng di động, của người Nhật hiện lớn nhất thế giới - Ảnh minh họa: Internet

Theo Wall Street Journal, người tiêu dùng Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn người Mỹ đến 10% đối với mọi ứng dụng di động cho mọi nền tảng (smartphone, tablet) trong tháng 10 vừa qua, theo như trang theo dõi ứng dụng App Tracker. Con số này lớn gấp 3 lần Hàn Quốc và gấp 6 lần Anh. Chỉ mới một năm về trước, người tiêu dùng Nhật Bản chi tiêu cho ứng dụng di động ít hơn người Mỹ đến 40%.

Sự tương phản này phản ánh cú chuyển dịch từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh ở Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật Bản từ lâu đã luôn mua các nội dung kỹ thuật số từ lịch tàu chạy cho đến game và các biểu tượng mặt cười (emoticon) cho điện thoại của họ.

Ngay từ đầu năm 1999, nhà mạng di động NTT DoCoMo đã trình làng dịch vụ Internet di động mang tên "i-mode", nghĩa là tám năm trước khi điện thoại iPhone ra đời và chín năm trước khi có sự xuất hiện của chiếc smartphone dùng hệ điều hành Android đầu tiên.

Năm 2009, người tiêu dùng Nhật Bản đã chi hơn 5,4 tỉ USD (tương đương 553 tỉ yen) cho các nội dung kỹ thuật số. Đến năm 2012, con số này đã tăng thành 8,4 tỉ USD (tương đương 851 tỉ yen), số liệu từ Diễn đàn nội dung di động (Mobile Content Forum) cho hay.

Ứng dụng giải trí "đắt hàng" nhất

Nhân tố thúc đẩy chính cho làn sóng này là các trò chơi trên điện thoại di động (mobile games). Người tiêu dùng Nhật đã chi nhiều gấp bốn lần cho các ứng dụng trò chơi trên di động so với năm ngoái.

Điều này cũng khiến lượng tiêu thụ thiết bị dùng Android tăng gấp gần bốn lần vào tháng 10 vừa qua, giúp Nhật Bản trở thành nơi duy nhất trên thế giới mà chi tiêu cho Google Play bắt kịp được với App Store của Apple.

Wall Street Journal bình luận không như những trò chơi dựa trên trình duyệt máy tính (browser-based game), các ứng dụng di động dễ đến được với các thị trường nước ngoài hơn, và việc Nhật Bản yêu chuộng smartphone đang giúp kéo gần khoảng cách giữa các quốc gia cùng văn hóa chơi game.

Sự sẵn lòng của người tiêu dùng Nhật Bản trong việc mua nội dung di động - đặc biệt là game - đang thu hút các nhà lập trình game từ nước ngoài (trong đó có Việt Nam). Trong lúc đó, giới lập trình game Nhật Bản lại đang bận rộn bán sản phẩm ra... nước ngoài.

Rất nhiều công ty Nhật Bản hiện tại đang nhắm đến việc hợp tác cùng các nhà phát triển game trong nước để kết hợp hương vị nước ngoài với khẩu vị của người Nhật.

Chẳng hạn, Công ty "Gree" (nổi tiếng với game "Fishing Star" vào năm 2007) đã mua lại nhà sản xuất Funzio của Mỹ (nổi tiếng với game "Modern War") với giá 210 triệu USD để sản xuất game cho người dùng phương Tây. Còn Line Corp (chủ sở hữu dịch vụ OTT Line) vừa bắt tay cùng PT Kreon Mobile, công ty con của nhà phát hành game trực tuyến lớn nhất Indonesia là PT Kreon.

(Theo TTO)