Nhật Bản đề xuất ASEAN giám sát không phận khu vực Biển Đông 24/24
(BDO) Các thách thức an ninh khu vực và ngăn chặn xung đột leo thang là những vấn đề chính được đưa ra bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 14 tại Singapore hôm 30-5.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani (ảnh: JapanTimes)
Không nằm ngoài dự đoán của truyền thông quốc tế mấy ngày qua, vấn đề Biển Đông cùng với những tuyên bố của Trung Quốc gần đây đang tiếp tục là nội dung bao trùm các phiên họp cũng như các cuộc gặp song phương và họp báo bên lề Diễn đàn.
Chiếm hơn một nửa dân số thế giới, châu Á-Thái Bình Dương đang được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển nhất trong thế kỉ 21, tạo ra một nửa sản lượng kinh tế và thương mại toàn cầu.
Các thách thức
Tuy nhiên, những thách thức mà khu vực đang đối mặt bao gồm tranh chấp trên biển, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đang đe dọa đến sự phát triển của khu vực. Theo các đại biểu tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay, để ngăn chặn những yếu tố đang ảnh hưởng đến sự phát triển năng động của khu vực thì các nước cần hành xử có trách nhiệm, tránh những bước đi vi phạm luật quốc tế và vượt ra khỏi sự đồng thuận của khu vực.
Đây cũng là những nhận định chung của các đại biểu khi đề cập đến những căng thẳng gần đây tại Biển Đông - vấn đề đang nóng lên tại hội nghị Shangri-La lần này.
Trong một bài phát biểu thu hút được sự chú ý của dư luận sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay "vượt ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cảnh báo, các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào hỗn loạn, đồng thời hối thúc Trung Quốc hành xử có trách nhiệm.
Ông Nakatani nói: “Tôi thực sự lấy làm tiếc về tuyên bố mở rộng chủ quyền của các nước tại Biển Đông. Những nỗ lực này đang cố gắng làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông. Những nước trong khu vực bao gồm Nhật Bản bày tỏ lo ngại về điều này. Tôi hi vọng tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc cần phải cư xử như một cường quốc có trách nhiệm".
Bộ trưởng Nakatani cũng đề xuất “Sáng kiến Đối thoại Shangri-La” gồm 3 giải pháp nhằm tăng cường an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có việc các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giám sát 24/24 giờ không phận khu vực. Tuy nhiên, việc thiết lập bất kỳ hệ thống kiểm soát an toàn 24/24 giờ đối với 10 nước ASEAN sẽ cần có trình độ hội nhập nhất định mà hiện khối chưa thiết lập.
Không chỉ là những bài phát biểu tại các phiên họp, vấn đề Biển Đông cũng là đề tài được quan tâm đặc biệt trong các cuộc họp báo, cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn. Các nước tham gia Đối thoại lần này đều bày tỏ lo ngại những diễn biến gần đây trên Biển Đông và ủng hộ việc tìm kiếm giải quyết hòa bình tranh chấp hiện nay, dựa trên quy định và khuôn khổ pháp lý được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Fallon nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng để theo đuổi những giải pháp hòa bình phù hợp với luật quốc tế. Cần phải minh bạch các tuyên bố và làm rõ các cơ sở pháp lí, kiềm chế và hành xử có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, tránh sử dụng vũ lực và sức ép”.
Không chỉ nói mà còn phải làm
“Cần biến những tuyên bố này thành hành động” – đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain tại cuộc họp báo bên lề Đối thoại Sangri-La khi đề cập đến tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Shang-ri La.
Theo báo Tin tức quốc phòng (Defensenews) của Mỹ, tại cuộc họp báo sáng nay, Thượng nghị sĩ McCain cho biết, trong tuần tới sẽ đề nghị nới lỏng thêm lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Trước đó ông cũng đề xuất Mỹ nên cung cấp hàng trăm triệu đôla Mỹ để giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các quốc gia Đông Nam Á nhằm đối phó với những thách thức lãnh thổ. Ông McCain cho rằng, hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế và cảnh báo quốc gia này đang mắc sai lầm nghiêm trọng, khi hành động của họ không nhận được sự đồng thuận của các nước trong khu vực.
Bên cạnh những thách thức an ninh là tâm điểm dư luận của Đối thoại Shangri-La nhiều năm qua, Đối thoại Shangri-La lần này cũng chỉ rõ những nguy cơ an ninh mới đe dọa sự phát triển của khu vực, đặc biệt sự nổi lên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) gần đây. Các đại biểu cho rằng, có một số xu hướng đáng lo ngại tại ASEAN gần đây, bao gồm các nhóm địa phương cam kết trung thành với IS. Điều này đang tạo thuận lợi cho IS có thể tạo ra một vùng lãnh thổ vững chãi trong khu vực giống như cách mà lực lượng này đang tiến hành ở Trung Đông, từ đó đặt ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với toàn bộ khu vực. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong khu vực là cần thiết để đối phó với những mối đe dọa này./.
Theo VOV