Nhật Bản: “Canh bạc thua lỗ” của ông Ishiba
Cử tri Nhật Bản đã “trừng phạt” đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 27/10 vừa qua, khiến LDP mất thế đa số trong Hạ viện và hiện đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng nhỏ để thành lập một chính phủ đa số ghế. Kết quả cuộc bầu cử cũng đẩy nước Nhật vào tình trạng mất ổn định chính trị trong thời gian trước mắt.
Theo đài truyền hình NHK, đảng LDP và đối tác liên minh Komeito chỉ giành được 215 trong số 465 ghế của Hạ viện, không đủ 233 ghế cần thiết để đạt được đa số. Kết quả này là một đòn giáng mạnh vào Thủ tướng Ishiba, với “canh bạc” kêu gọi bầu cử sớm để củng cố vị thế của mình sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10, nhưng đã bị “phản đòn” khá nặng.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu với báo giới sau bầu cử.
Ông Ishiba hôm 28/10 đã phải “than thở” rằng cử tri Nhật đã đưa ra “phán quyết cực kỳ khắc nghiệt” mà đảng của ông phải đón nhận “một cách nghiêm túc và trịnh trọng”, nhưng ông cũng cho biết sẽ không từ chức Thủ tướng.
Trước cuộc bầu cử, đảng LDP và đối tác liên minh Komeito đã có đa số ổn định là 279 ghế, trong đó chỉ riêng đảng LDP có 247 ghế. Vào ngày bầu cử 27/10, LDP chỉ giành được 191 ghế - kết quả tệ nhất kể từ năm 2009, khi đó đảng này phải chịu thất bại lớn nhất và buộc phải trao quyền kiểm soát cho một đảng đối lập.
Đảng đối lập chính Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) giành được 148 ghế, tăng đáng kể so với 98 ghế. Lãnh đạo CDPJ Yoshihiko Noda cho biết trong một cuộc họp báo ngày 27/10 rằng "mục tiêu của chúng tôi là phá vỡ thế đa số của đảng cầm quyền và chúng tôi đã đạt được điều đó, đây là một thành tựu lớn”.
Bây giờ, cuộc chạy đua giành quyền lực sẽ bắt đầu khi tất cả các đảng tìm kiếm liên minh để đảm bảo đủ số ghế để thành lập chính phủ. Để duy trì vị thế cầm quyền, đảng LDP có thể cố gắng đưa các đảng khác vào liên minh của mình hoặc điều hành đất nước bằng một chính phủ thiểu số, nhưng cả hai lựa chọn đều không an toàn cho Thủ tướng Ishiba.
Sự ủng hộ từ các đảng nhỏ hơn, chẳng hạn như đảng Dân chủ vì nhân dân (DPP) hoặc Đổi mới Nhật Bản (JIP), lần lượt giành được 28 và 38 ghế, hiện có thể là chìa khóa cho LDP.
Tuy nhiên, Chủ tịch DPP Yuichiro Tamaki và lãnh đạo JIP Nobuyuki Baba đều cho biết họ loại trừ khả năng tham gia liên minh nhưng sẵn sàng hợp tác tùy từng trường hợp về một số vấn đề nhất định.
Thủ tướng Ishiba cũng cho rằng, “vào thời điểm này, chúng tôi không mong đợi một liên minh với các đảng đối lập khác”. LDP sẽ thảo luận với các đảng khác về một số chính sách họ đề xuất. Một trong những chính sách đó do DPP đề xuất là giảm một nửa thuế bán hàng 10% của Nhật Bản cho đến khi tiền lương thực tế tăng, nhưng không được LDP tán thành.
Trước cuộc bầu cử, LDP phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ giảm và sự bất bình của công chúng về một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Các gia đình và hộ gia đình đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính gia tăng, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đồng yên suy yếu, nền kinh tế trì trệ và lạm phát cao.
Vụ bê bối tài trợ liên quan đến hàng triệu USD trong các quỹ chính trị không sổ sách, với một số phe phái trong đảng bị cáo buộc trả cho các nhà lập pháp bằng số tiền thu được từ việc gây quỹ dưới dạng hối lộ hoặc không khai báo thu nhập theo quy định.
Cựu Thủ tướng Fumio Kishida đã cố gắng hạn chế thiệt hại bằng cách thay thế một số bộ trưởng nội các và giải tán các phe phái trong LDP. Nhưng, ông đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức và tuyên bố vào tháng 8 rằng ông sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Ishiba được cho là đã tuyên bố sẽ không chính thức ủng hộ một số nhà lập pháp của đảng bị vướng vào vụ bê bối, nhưng họ được phép ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập. Ông cũng dường như đã rút lại một số quan điểm kể từ khi trở thành Chủ tịch đảng LDP. Ông đã ủng hộ luật cho phép phụ nữ đã kết hôn được giữ lại họ thời con gái, nhưng sau đó cho biết luật này cần “thảo luận thêm”.
Khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Ishiba rất coi trọng vấn đề răn đe như một biện pháp an ninh. Trước cuộc bầu cử, ông đã đề xuất một phiên bản châu Á của khối NATO, một ý tưởng mà ông dường như đã từ bỏ sau khi bị Mỹ bác bỏ.
Theo Reuters, ông Ishiba cũng đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, tăng mức lương tối thiểu và làm “hồi sinh” khu vực Đông Bắc Á. Ông hứa sẽ “triệt thoái hoàn toàn” tỷ lệ lạm phát cao của Nhật Bản, cam kết đạt được “tăng trưởng tiền lương thực tế”.
Cuộc bầu cử của Nhật Bản diễn ra chỉ hơn một tuần trước khi nước Mỹ bước vào cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống mới. Ông Ishiba đã ưu tiên tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với Mỹ và tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với các đồng minh trong bối cảnh những thách thức an ninh ngày càng gia tăng ở châu Á. Ở phía ngược lại, quan hệ đối tác với Nhật Bản từ lâu đã là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và người tiền nhiệm của ông Ishiba là Thủ tướng Kishida đã mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với đồng minh chủ chốt của mình. Ngày 28/10, ông Ishiba nói với các phóng viên rằng Nhật Bản “sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ” và duy trì “mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Mỹ”.
Tuy nhiên, tương lai chính trị của ông Ishiba và đảng LDP hiện vẫn chưa chắc chắn và một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới phải đối mặt với giai đoạn bất ổn cho đến cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm sau.
Theo CAND